Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ tư, 21/06/2023 07:06
TMO - Chỉ trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đạt tới nửa tỷ USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước tới nay. Với kết quả trên, rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiếm hoi có mức tăng trưởng kỷ lục trong bối cảnh xuất nhập khẩu cả nước đang đối mặt nhiều thách thức khi cả xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng âm.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị phần với kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 63,5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng là có thành tích ấn tượng nhất trong các mặt hàng rau quả khi mang về 332 triệu USD chỉ trong tháng 5, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Đóng góp chính cho tăng xuất khẩu nhóm hàng rau quả là xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) tăng cao đột biến. Trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Tính chung lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới 503,4 triệu USD, tăng 475,8 trệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Dự báo, sầu riêng sẽ mang về kết quả ấn tượng trong năm 2023, với kim ngạch có thể chạm 1 tỷ USD.
Dự báo, sầu riêng sẽ mang về kết quả ấn tượng trong năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu có thể chạm 1 tỷ USD. Ảnh: N.Thạch.
Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Đây là những điều kiện để có thể tin tưởng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu. Cục Bảo vệ Thực vật cho biết từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000-15.000 tấn. Từ năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 46.000 tấn.
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 820.000 tấn sầu riêng, trong đó, nhập khẩu khoảng 780.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan. Dự báo, lượng sầu riêng nhập khẩu năm nay sẽ dễ dàng đạt hoặc vượt 900.000 tấn. Sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan được dự báo sẽ tăng trong năm nay, nhưng thị phần của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc cũng sẽ bùng nổ.
Với nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD. Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với các loại quả như măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu sầu riêng trong thời gian tới. Với Hiệp định này, nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có thể trở thành các nhà cung cấp sầu riêng lớn của Trung Quốc. Để cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, sầu riêng Việt Nam phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu.
Không chỉ tập trung cho thị trường Trung Quốc, các địa phương và doanh nghiệp cũng đang chú trọng tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng khác. Những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sẽ mang trái cây Việt Nam đi xa hơn, đồng thời phát triển diện tích vùng trồng ổn định. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng ở mỗi địa phương cũng là cách tiêu thụ các loại nông sản được thuận lợi hơn. Để những hoạt động xúc tiến tìm thị trường mới, quảng bá sản phẩm có hiệu quả, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cần được chú trọng nhằm tính đường dài cho trái sầu riêng. Các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã cần phải có sự tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng trong quá trình canh tác, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.
Hạnh Nguyễn
Bình luận