Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ tư, 30/08/2023 07:08
TMO - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là là thị trường dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam, trong 8 tháng của năm 2023 xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 130% so với năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.
Theo Tổng cục Hải quan, con số này còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD. Hiện, giá thu mua sầu riêng đang tăng mạnh do hàng miền Tây vào cuối vụ. Tại các nhà vườn, giá sầu riêng loại một đang rao bán 85.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 130% so với năm ngoái. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng kim ngạch. Dự báo, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là trong những tháng cuối năm. Dự báo cả năm sầu riêng sẽ cán mốc 1,5 tỷ USD, nhất là từ nay đến cuối năm hầu như Thái Lan, Malaysia hết mùa sầu riêng. Kỷ lục xuất sang Trung Quốc vượt cả chỉ tiêu đề ra cho trái sầu riêng năm nay là 1 tỷ USD. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cùng mít tạo nên doanh số xuất khẩu tăng cao trong thời gian tới.
Sầu riêng là mặt hàng rau quả chủ lực góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2023.
Sau thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam được xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 140,5 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tới Hàn Quốc đạt 125,1 triệu USD, tăng 13%; tới Nhật Bản đạt 105,6 triệu USD, tăng 5,5%... Nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường này lớn, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường. Trong quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Tiềm năng cũng như cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trái cây của nước ta còn khá lớn. Bởi hiện nay nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là rất lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các DN khai thác. Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018- 2022, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Tương tự thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018- 2022, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 4,3% tổng trị giá nhập khẩu. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 10 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% tổng trị giá nhập khẩu…
Cùng với sầu riêng, các mặt hàng rau quả khác như xoài, dừa, chuối cũng được đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới. Ảnh: XH.
Riêng đối với quả xoài, dư địa tại thị trường Mỹ hiện rất lớn. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài và sản phẩm từ xoài lớn thứ 12 cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng xoài nhập khẩu vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023.
Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu nông sản vẫn còn đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức, bởi các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân là do việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; tình trạng thu hái, xuất khẩu sản phẩm không đạt chất lượng vẫn diễn ra.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tính từ tháng 1 - 7/2023, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam phát hiện 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, từ năm 2021 đến tháng 7.2023, Cục Bảo vệ thực vật nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định cho phép; sản phẩm biến đổi gien, có nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng; sản phẩm có chất gây dị ứng, sử dụng chất tạo màu không cho phép.
Để tăng cường quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 8 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 33,2 tỷ USD, giảm 9,5%. Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm, một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD tăng tới hai con số như: Rau quả đạt 3,4 tỷ USD (tăng 57,5%); gạo đạt 3,17 tỷ USD (tăng 36,1%); hạt điều đạt 2,3 tỷ USD (tăng 8,9%); cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi đạt 3,2 triệu USD (tăng 26,1%)
Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Tại thị trường Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắc khe. Thực tế đó đặt ra cho ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt cùng ý thức của doanh nghiệp và người nông dân trong giữ gìn uy tín và nâng cao chất lượng. Bộ cũng sẽ tiếp tục đề nghị đưa các sản phẩm mới vào danh mục được phép xuất khẩu và tổ chức đoàn khảo sát chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang châu Âu tại một số địa phương.
Tuấn Sơn
Bình luận