Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ sáu, 26/05/2023 12:05
TMO - Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm tới 46% so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu cá tra kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý III/2023 nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022 được đánh giá là giai đoạn phát triển của ngành hàng cá tra, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD. Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20 – 55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên bước vào năm 2023 khi lạm phát tác động vào các nền kinh tế thế giới, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu khiến lượng đơn hàng cá tra giảm mạnh.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra cả nước mang về gần 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường lớn nhất của mặt hàng cá tra là Trung Quốc và Mỹ đều giảm sâu. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng kông chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do lượng tồn kho còn nhiều và chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý III/2023 nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại. Ảnh: DL.
Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13% - 31%, trừ thị trường Đức tăng 78%. Trong đó nhiều thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: sang Mexico giảm 45%, sang Canada giảm 51%, sang Nhật Bản giảm 15%, sang Brazil giảm 33%, sang Thái Lan giảm 49%.
Xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra đều cũng đều ghi nhận sự sụt giảm Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 471 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 45%. Xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 89 triệu USD, giảm 9%, xuất khẩu cá tra chế biến (mã HS 16) đạt 9 triệu USD, giảm 23%.
Dự báo nhu cầu về cá tra sẽ tiếp tục giảm ở hầu hết các thị trường cho đến quý III/2023. Theo chu kỳ, giá cá tra xuất khẩu sẽ có khả năng tăng trở lại từ quý III/2023, khi nhu cầu nhập khẩu cá tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ cuối năm. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang dần mở cửa và hồi phục trở lại, nên tiêu thụ của người dân được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Tính đến năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như: Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn 2017 – 2022, mặc dù diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm nhưng sản lượng cá tăng dần từ 1,2 triệu tấn năm 2017 lên 1,7 triệu tấn năm 2022, cho thấy năng suất nuôi cá tra ngày càng được cải thiện.
Các thị trường và nhóm thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh, Nga, các nước thuộc khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Đáng chú ý, sản phẩm cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu cá tra trong thời gian qua. Trong 3 năm gần đây, tỷ trọng trung bình của cá tra phile đông lạnh chiếm 85 – 86% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Ngọc Ánh
Bình luận