Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 18/05/2023 07:05
TMO - Toàn tỉnh Lâm Đồng có 36 công trình vi phạm xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện và 56 hộ lấn chiếm đất lòng hồ thủy điện chưa được xử lý dứt điểm.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại 4 địa bàn huyện: Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng nhằm xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện và khu vực lòng hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, toàn tỉnh 36 công trình vi phạm, 56 hộ lấn chiếm phạm vi lòng hồ thuộc 12 công trình với các mức độ khác nhau. Trong số đó, tại hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đinh Trang Thượng, Di Linh) có 3 hộ dân xây dựng trái phép, kinh doanh du lịch trên mặt hồ với diện tích hàng ngàn m2; hồ thủy điện Đại Ninh (xã Ninh Gia và Phú Hội, huyện Đức Trọng) có 22 hộ dân lấn chiếm đất lòng hồ, cửa nhận nước.
Toàn tỉnh còn 36 công trình vi phạm, 56 hộ lấn chiếm phạm vi lòng hồ.
Tại địa bàn huyện Đức Trọng các tháng đầu năm 2023, tại khu vực Thủy điện Đại Ninh qua kiểm tra xã Ninh Gia vẫn còn 33 trường hợp và xã Phú Hội có 9 trường hợp, 1 tổ chức ảnh hưởng đến việc xây dựng hàng rào bảo vệ công trình đập. Có 19 trường hợp lấn chiếm đất lòng hồ, cửa nhận nước.
Tại huyện Bảo Lâm đến nay vẫn còn 5 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Đồng Nai 4. Các vi phạm chủ yếu rơi vào trường hợp nuôi cá, chòi canh tự phát để phục vụ du lịch, canh tác cây ăn trái, xây dựng nhà gỗ trong hành lang bảo vệ hồ chứa,... Đối với công trình Thủy điện Đa Siat nằm trên địa bàn huyện, tình trạng lấn chiếm đến nay phát hiện các hộ dân lấn chiếm lòng hồ khá nhiều, qua kiểm tra có 17 trường hợp (nhà xây kiên cố, nhà vách gỗ). Còn tại địa bàn huyện Lạc Dương, hiện có 2 đập, hồ chứa thủy điện tồn tại các công trình xây dựng trái phép thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện (công trình Thủy điện Đa Dâng, Krông Nô 2).
Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, tại một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, một số UBND cấp huyện, xã và các chủ đầu tư quản lý phạm vi lòng hồ thủy điện vẫn chưa phối hợp tốt, chặt chẽ. Các quy định về quản lý phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, vùng lòng hồ thủy điện tại địa phương và vùng bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước của địa phương còn chưa sát với thực tế.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các hành vi, vi phạm, lấn chiếm, san gạt đất, xây dựng công trình trái phép trong phạm vị, hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn và theo đề nghị tại Báo cáo số 260/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng xây dựng chương trình, kế hoạch phân công và giao nhiệm vụ cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, quản lý hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi theo phân cấp; phối hợp với chính quyền địa phương sở tại kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ cơ sở các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đồng thời, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, rà soát các hoạt động trong hành lang, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hoạt động vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động trái phép, không theo giấy phép, không đảm bảo theo quy định; kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định.
C. Phong
Bình luận