Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 03:01
Thứ sáu, 03/06/2022 20:06
TMO - Xứ Đoài là vùng đất Sơn Tây (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi có bề dày lịch sử bắt nguồn từ thời Hùng Vương, tục còn gọi là trấn Đoài hay trấn Tây, một trong tứ trấn Thăng Long xưa. Đây là cái nôi của nền văn minh Việt cổ và cũng là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu.
Nói đến nhân kiệt ở vùng đất xứ Đoài, phải bắt đầu từ Đức Thánh Tản. Theo tương truyền, Ngài tên thật là Nguyễn Tuấn, con bà Đinh Thị Đen (có sách viết là Điên). Ngài là biểu tượng anh hùng trị thủy của dân tộc với truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh. Ngài được nhân dân ta tôn vinh là vị thần thứ nhất trong bốn vị thần bất tử. Tản Viên đối với người Việt vừa thiêng liêng, vừa gần gũi bởi những truyền thuyết, huyền thoại đã đi vào lịch sử hào hùng, được lưu truyền từ xưa cho đến nay.
Xứ Đoài còn nổi tiếng là nơi khởi phát ý chí quật cường của dân tộc. Ngay từ những thập kỷ đầu Công nguyên (năm 40-43), cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt chống quân xâm lược phương Bắc do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã diễn ra ở đất Mê Linh-Phong Châu. Xứ Đoài còn có làng cổ Đường Lâm nổi tiếng. Nơi đây đã sinh ra hai vua - Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) và Ngô Quyền. Sử sách còn ghi lại chiến công hiển hách của Ngô Quyền - một vị vua tài năng trong lịch sử đánh đuổi giặc Nam Hán sang xâm lược nước ta và khai sinh nền độc lập đầu tiên cho nước nhà vào năm 938. Ngài là người đầu tiên nghĩ ra cách đánh thuỷ chiến bằng đóng cọc xuống dòng sông để chôn vùi xác giặc ở cửa sông Bạch Đằng. Nói đến xứ Đoài, người ta không thể không nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thành quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh. Đó là hai danh tướng văn võ song toàn, hết lòng tận trung với nước. Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần Đại Việt thời Lê, một mình chứng minh một nước Nam bất khuất kiên cường. Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã có công lớn đánh đuổi giặc Minh đem lại độc lập cho dân tộc.
Trong ngày Hội giỗ tổ Hùng Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh có nghi lễ rước voi với ý nghĩa muôn loài qui phục vua Hùng, có người Mường và người Việt (Kinh) cùng đánh trống đồng, cồng chiêng, cùng rước cỗ (bánh dầy, bánh chưng, xôi nhiều màu), rước kiệu bay, đua thuyền rồng trên hồ Đa Vai dưới chân núi. Tất cả những hoạt động ấy là để tỏ lòng biết ơn vua Tổ đã có công dựng nước, tưởng nhớ công đức của các vua Hùng thương dân, dạy dân trồng lúa, cùng sinh sống với dân.
Với tư cách là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô - Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài đã luôn có những cuộc tiếp xúc, trao đổi văn hoá từ rất sớm với vùng đất nghìn năm văn hiến Thăng Long. Chính từ những lợi thế hơn nhiều so với các vùng đất khác, nên xứ Đoài có điều kiện tiếp nhận những nét đẹp văn hoá từ kinh đô Thăng Long - Hà Nội để làm phong phú và vững chắc hơn vóc dáng văn hoá - lịch sử của riêng mình.
Nói đến xứ Đoài người ta không thể quên được hai loại dân ca nghi lễ: hát Rô và hát Chèo Tàu, những điệu hát này đã thịnh hành cách đây nhiều thế kỷ. Hát Rô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai gồm 22 bài được hát lên để tôn vinh Đức thánh Tản, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là hát bỏ bộ. Sôi nổi hơn nữa là hội hát Chèo Tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử. Đây là một tập hợp nhiều diễn xướng, nghi lễ, điệu hát và điệu múa trình bày trên các sân khấu được mô phỏng hình thuyền (tàu) và voi (tượng). Những điệu hát, múa này đã thu hút đông đảo khán thính giả không chỉ là người dân xứ Đoài, mà cả người dân Thăng Long và người dân nhiều nơi khác.
Xứ Đoài có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba sông, đó là sông Đà, sông Thao và sông Lô. Chính nhờ có những con sông này đã tạo thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh rực rỡ được kế tiếp nhau phát triển từ đời này qua đời khác. Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà còn là ngọn núi “linh thiêng” của xứ Đoài, của nước Việt Nam ta. Người dân nơi đây kể rằng, ngày xưa, vua nhà Đường đã cử một vị tướng kiêm thầy phù thủy nổi tiếng tên là Cao Biền sang với âm mưu hòng triệt long mạch của nước Nam ta, với dã tâm làm cho nước Nam không thể phát vương, để nước Nam mãi mãi là nước chư hầu của phong kiến phương Bắc. Vua Đường chỉ dụ cho thầy phù thủy Cao Biền phải đào 100 chiếc giếng ở chân núi Ba Vì. Bởi Vua Đường cho rằng núi Ba Vì là một cái đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt vào phương Nam (Cứ theo ý của vua Đường mà suy ra thì thân rồng là dải Trường Sơn đuôi rồng vào đến tận cực nam miền Trung Trung bộ). Nhưng trời không dung, đất không tha ý đồ xấu xa của đạo quân xâm lược, nên quân của Cao Biền cứ đào được gần xong cái giếng nào, cái giếng ấy đều bị sập. Quân của Cao Biền chết vì sập giếng, vì rừng thiêng nước độc, ruồi vàng, số lượng đội quân xâm lược chết không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng Cao Biền đành bỏ cuộc không thể thực hiện được ý đồ đen tối của mình, đành chạy về xây thành Đại La (Hà Nội ngày nay) nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu chấn yểm long mạnh của nước Nam. Mặc dù “Cao phù thủy” đã yểm rất nhiều tiền vàng nhưng cứ xây đến đâu thành đổ đến đó, không cho kẻ xâm lược thực hiện được ý đồ chấn yểm long mạch ở thành Đại La. Thế mới biết rằng xứ Đoài và đất Thăng Long đúng là nơi địa linh không cho phép ngoại bang thực hiện ý đồ xâm chiếm hay triệt hạ long mạch của nước mình. Kẻ nào có âm mưu đen tối hòng cướp nước ta, muốn làm trái “lòng người và mệnh trời” thì kẻ đó sẽ bị trả giá đắt.
Xứ Đoài còn có những địa danh nổi tiếng về cảnh đẹp, cũng là nơi có khá nhiều vùng đất “địa linh”. Sách Đại việt sử ký toàn thư còn ghi, năm 1010, vua Lý Thái Tổ khi đi kinh lý phía Tây, thuyền rồng của đức vua đến khúc sông Cù (một đoạn của sông Đáy) phía tả ngạn là làng dừa Yên Sở (thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay), hữu ngạn là vùng núi thập bát gồm 18 ngọn núi đá vôi thuộc các xã Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn, Hoàng Ngô thuộc tỉnh Hà Tây (trước đây), mà người đời vẫn gọi là “vịnh Hạ Long cạn”. Tới nơi đây Ngài thấy tâm hồn sảng khoái, rung động, đức vua sai bày hương án ra mạn thuyền rồng, Ngài thắp hương khấn rằng “Trẫm thấy nơi đây sơn kỳ thủy tú (núi lạ sông đẹp) ắt có nhân kiệt địa linh, xin hưởng lễ này”. Khấn xong, đức vua rót ba chén rượu đổ xuống sông. Thế mới biết xứ Đoài là miền đất địa linh, nhân kiệt hiếm có ở nước Việt Nam, cũng là nơi khởi phát những dấu ấn đầu tiên về văn hoá và cuộc sống của người Việt cổ.
Người dân xứ Đoài khá bộc trực và ngay thẳng, nhưng lại có phần nhường nhịn, ít háo danh. Người dân xứ Đoài nổi tiếng là hay làm và cũng rất khéo tay, chính vì vậy mà vùng đất nơi đây mới có nhiều làng nghề như thế. Con trai xứ Đoài cũng có tiếng là tài hoa, gan dạ và đôi chút thông minh, điều đó được biểu hiện qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, lớp lớp người dân xứ Đoài đã tòng quân ra trận và lập được nhiều chiến công hiển hách. Cũng có khá nhiều người xứ Đoài đã trở thành những trụ cột của nhiều triều đại từ xưa đến nay. Con gái xứ Đoài thì chịu thương chịu khó và giỏi cách làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con, nhiều người phụ nữ xứ Đoài đã xứng đáng với bốn từ “công – dung – ngôn – hạnh”. Người xứ Đoài có vẻ ít quan tâm đến tính cộng đồng, nên mặc dù đi làm ăn xa quê nhưng sự đùm bọc nâng đỡ nhau cũng có chừng mực. Người dân xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều thân thiết như nhau. Nhiều người dân nơi đây có lối sống khang khái, nhưng lại có phần hay tự ái, nên khi chạm đến danh dự thì nếu có lợi cũng có thể bỏ qua, mà không theo đuổi. Người xứ Đoài có tiếng là thuỷ chung, theo tư tưởng “quang minh, chính đại” nên rất ghét thói xu nịnh, ăn gian, nói dối.
Điểm qua một vài nét tiêu biểu về văn hoá và con người xứ Đoài để thấy một vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều địa danh và con người đã đi vào lịch sử, có người đã trở thành huyền thoại. Truyền thống văn hoá của xứ Đoài tốt đẹp và có bề dày như thế, mà đến nay không ít người bắt đầu lo lắng cho tương lai của văn hóa nơi đây, nó đang bị tấn công bởi quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá vội vã thiếu qui hoạch. Sự xâm nhập quá nhanh của lối quy hoạch xây dựng không khoa học, cùng với nhiều kiểu sống thiếu văn hoá đã và đang làm xói mòn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất xứ Đoài.
Liệu quá trình đô thị hóa xô bồ với cơn sốt nhà cao tầng cùng với kiểu kiến trúc hỗn tạp, cộng với lối sống vương vấn bụi thương trường thực dụng và lai căng, tất cả những điều ấy liệu có làm cho những nét thi vị mà thiên nhiên đã ban tặng, cùng với những nét đẹp về văn hóa đã làm nên sắc thái độc đáo của xứ Đoài liệu có bị mất đi không?
Đắc Hưng
Bình luận