Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ bảy, 26/08/2023 17:08
TMO - Trong bối cảnh hiện nay, liên kết là chìa khóa giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Thời gian qua, huyện Xín Mần (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt tổ chức lại sản xuất, nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các liên kết chuỗi giá trị nông sản cho địa phương nhằm nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu… , qua đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa huyện vùng cao biên giới phát triển bền vững.
Xín Mần là một trong 6 huyện thuộc diện huyện nghèo của tỉnh Hà Giang được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ có tổng diện tích tự nhiên là 586,5 km2, dân số trên 70.795 khẩu, số hộ 14.472 hộ, trong đó: Hộ nghèo 8.072 hộ, chiếm tỷ lệ 55,788%; hộ cận nghèo 1.983 hộ, chiếm tỷ lệ 13,7%. Tại huyện Xín Mần không có lợi thế về giao thông do đồi núi cao hiểm trở, địa hình phức tạp chia cắt, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ yếu đồng bào dân tộc Nùng, Mông, Dao, Lô Lô... Đây chính là những khó khăn, "rào cản" lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2025 huyện Xín Mần giảm nghèo nhanh, bền vững; đến năm 2030 thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn; đến năm 2045 là huyện phát triển khá trong các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, huyện Xín Mần chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng NTM; huy động các nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của huyện, đường vành đai biên giới, các thôn biên giới; thúc đẩy giao lưu thương mại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp; đảm bảo nguồn thu, quản lý chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân 8 – 10 %/năm…
Mặc dù là huyện nghèo, khó khăn về mọi mặt, tuy nhiên Xín Mần lại có tiềm năng lớn để phát triển ngành Nông nghiệp. Trong đó, điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp trồng các loại rau, đậu,... Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới. Tập trung thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ…
Lãnh đạo huyện Xín Mần thăm mô hình trồng Củ cải xuất khẩu ở xã Xín Mần - Ảnh: Văn Long.
Năm 2021, huyện Xín Mần thực hiện ký kết hợp tác với Công ty TNHH Việt Nam Misaki trong lĩnh vực trồng và bao tiêu sản phẩm nông sản địa phương. Trên cơ sở đó, công ty bắt đầu cho trồng thí điểm Củ cải ở xã Xín Mần. Mô hình được trồng thử nghiệm ở 14 hộ dân với sự hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng của phía công ty. Sau 3 tháng Củ cải cho sản lượng 120 tấn/4ha, thu nhập hơn 80 triệu/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô.
Trong năm 2022, mô hình tiếp tục thực hiện liên kết trồng Củ cải 2 vụ với quy mô 13,5 ha, số hộ tham gia là 12 hộ, kết quả sản lượng 2 vụ đạt trên 457 tấn, giá trị thu được hơn 130 triệu đồng/ha. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp và được trồng theo phương pháp hữu cơ nên củ cải phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu xuất khẩu của phía đối tác. Qua từng năm, diện tích Củ cải của xã Xín Mần đã được mở rộng và phát triển thành vùng nguyên liệu chính xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Việc ký cam kết tiêu thụ bền vững, thu mua tại vườn, giá bán 2 nghìn đồng/kg đã mang lại thu nhập cho người dân từ 60 – 100 triệu đồng/vụ/hộ.
Mô hình Củ cải liên kết với doanh nghiệp đã nâng cao thu nhập cho người dân - Văn Long.
Sự liên kiết chặt chẽ với Công ty TNHH Việt Nam Misaki để xuất khẩu nông sản đã sớm hình thành nhiều vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng tiểu vùng trên địa bàn huyện Xín Mần. Trong đó, huyện đang xây dựng vùng trồng củ Kiệu và Gừng trâu tại thị trấn Cốc Pài, xã Nàn Ma và Tả Nhìu; tiến tới sẽ triển khai trồng cây măng tre Bát Độ tại 3 xã phía Nam là Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên và xã Bản Ngò, Nấm Dẩn.
Không dừng lại ở đó, huyện đã và đang thực hiện liên kết chuỗi giá trị với Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt (Phú Thọ) thực hiện trồng 7 ha rau hữu cơ (chủ yếu là Cà chua, cải Bắp, cải Thảo, Súp lơ, cải Canh, cải Thìa). Hàng ngày, hàng tuần các hộ dân thu hoạch sản phẩm chuyển về tiêu thụ tại siêu thị của công ty ở Thành phố Hà Nội. Đến nay, công ty đã thu mua 45 tấn sản phẩm rau các loại; đồng thời liên kết với HTX nông nghiệp xã Xín Mần xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến quy mô 500 - 700 tấn rau/năm; định hướng đến năm 2025 mở rộng vùng nguyên liệu lên 70 - 100ha/năm. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với HTX trên địa bàn xây dựng cơ sở bán hàng tại trung tâm huyện và giới thiệu bán sản phẩm tại các siêu thị Hà Nội.
Lãnh đạo huyện Xín Mần tham quan xưởng sơ chế và chế biến sâu Củ cải ở xã Nàn Ma do Công ty TNHH Việt Nam Misaki xây dựng - Ảnh: Văn Long.
Ngay từ đầu năm 2023, huyện Xín Mần đã tổ chức ký kết hợp tác với 5 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm nông sản. Trên cơ sở tiềm năng đã có và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian tới huyện Xín Mần tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp các sản phẩm đặc trưng gắn với chế biến sâu các sản phẩm hướng đến mở rộng thị trường trong nước, mục tiêu cụ thể hơn nữa là xuất khẩu.
Có thể thấy, ngành nông nghiệp của Xín Mần đã có bước nhảy vọt vượt bậc. Sản phẩm nông sản đã vươn ra thế giới, từng bước khẳng định giá trị nông sản của Xín Mần nói riêng, Hà Giang nói chung. Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Xín Mần đã có 3/17 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, đó là các xã: Bản Ngò, Nà Trì và xã Xín Mần.
Tạ Thành
Bình luận