Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ ba, 06/06/2023 08:06
TMO - Nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng nông lâm thủy sản tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cục Hải quan Nam Ninh – Quảng Tây (Trung Quốc) vừa thống nhất sẽ tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm.
Theo đánh giá của Bộ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch rất rõ rệt, GDP quý I tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua các dự báo. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm…
Tuy nhiên, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Nhiều mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu lớn vào thị trường Trung Quốc chưa được mở cửa như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm…
Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 24 năm liên tiếp là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Quảng Tây (Trung Quốc). Riêng trong năm 2022, tổng giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây đạt hơn 14 tỷ Nhân dân tệ. Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, mậu dịch nông sản song phương đạt hơn 4 tỷ Nhân dân tệ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây nhập khẩu nhiều nông sản Việt Nam nhất trong các địa phương có biên giới đường bộ với Việt Nam.
Cụ thể, năm 2022, kim ngạch lên đến 5,85 tỷ Nhân dân tệ, tăng 86,4% so với 2021, chiếm 14,5% tổng số nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.
Trung Quốc có tuyến biên giới đường bộ rất thuận lợi cho Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa với 70% sản phẩm nông sản Việt Nam sang thị trường này bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản ta vào sâu trong nội địa của Trung Quốc. Đó là những thuận lợi để đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc được đẩy mạnh.
Hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu Lạng Sơn đang lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện tại 5 cửa khẩu với lưu lượng xe chở hàng hóa được thông quan mỗi ngày đạt hơn 1.000 xe hàng. Trong ngày 30/5, có 1.152 phương tiện được thông quan xuất nhập khẩu, trong đó, có 518 xe xuất khẩu (chủ yếu là hoa quả) và 634 xe chở hàng nhập khẩu.
Hoạt động thương mại biên giới tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) cũng nhộn nhịp trở lại khi lượng hàng hóa và người xuất nhập cảnh không ngừng tăng mạnh. Trong quý I/2023, khối lượng giao dịch tại chợ biên giới Đông Hưng đạt 5,6 tỷ Nhân dân tệ, tăng 219% so với cùng kỳ năm ngoái với đà tăng trưởng rất mạnh. Tính đến ngày 17/5, lượng giao dịch đã lên đến 8,8 tỷ Nhân dân tệ. Theo đà này, dự kiến, kim ngạch thương mại biên giới năm nay sẽ vượt mức 17,6 tỷ Nhân dân tệ của trước dịch, tức năm 2019.
Ở cửa ngõ giao thương khác, hoạt động thương mại tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) cũng diễn ra sôi động. Tính từ ngày 16/4 đến 15/5, có gần 24.000 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai bằng hộ chiếu. Lượng khách xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành đạt con số hơn 25.000 người Trung Quốc và hơn 165.000 người Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành là gần 45.000 tấn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 111.000 tấn hàng hóa từ Trung Quốc.
Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của lực lượng chức năng Trung Quốc và Việt Nam, tình trạng thông quan hàng hóa vẫn được duy trì bình thường.
Vừa qua, tại cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hai tỉnh cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đại dịch COVID cần phải kết nối chuỗi cung ứng nông sản. Hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức họp, hội nghị luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa hải quan tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với các cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.
Đồng thời, đồng ý với đề xuất là nên thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây; Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp hai nước. Từ đó, xây dựng những chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
Cục Hải quan Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây, Cục Hải quan Côn Minh của tỉnh Vân Nam, hai bên đã thống nhất được rất nhiều vấn đề; trong đó, phía bạn sẽ xem xét tạo điều kiện để thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Hiện nay, nhu cầu hàng hóa của hai bên rất lớn, nhưng hạ tầng biên giới quá tải nên chính quyền hai bên cần quan tâm đầu tư cho hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu. Hải quan Côn Minh đồng ý sắp tới sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống được xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam.
Để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ tại các cửa khẩu, hai bên thống nhất cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông, lâm, thủy sản. Đối với Việt Nam, trước mắt Bộ NN&PTNT giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường sẽ làm đầu mối để liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng các cửa khẩu nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề ách tắc, hay khi các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Chính quyền 2 tỉnh cũng đồng ý phối hợp với Hải quan Nam Ninh, Hải quan Côn Minh là hằng năm sẽ có hội nghị đánh giá công tác nghiệp vụ chuyên môn, từ đó định hướng cho năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí. Điều này sẽ đem lại thuận lợi cho cả 2 bên.
Vũ Hằng
Bình luận