Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ năm, 10/03/2022 09:03
TMO – Trong bối cảnh xăng dầu thế giới liên tục “leo thang” do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga – Ukraine, giá xăng dầu trong nước đang chịu nhiều sức ép và có thể sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3 với RON92 là 133,8 USD một thùng, RON95 135,5 USD một thùng, tăng 18-20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Đặc biệt, ngày 8/3, xăng RON92 chạm mốc 150 USD một thùng, cao nhất trong 14 năm qua. Nhiều chuyên gia dự báo sau lệnh cấm nhập khẩu từ Nga của Mỹ, thị trường sẽ còn hoảng loạn đẩy giá dầu leo thang với mức giá khó đoán trước.
Nếu trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3 tăng thì đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn.
Theo một số doanh nghiệp đầu mối, chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng chưa từng có tiền lệ và vượt xa mốc dự đoán của các doanh nghiệp. Với mức này, các doanh nghiệp nhập khẩu đang bị thua lỗ. Đại diện doanh nghiệp đấu mối ở TP. HCM cho biết, hiện chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên kỳ điều hành mới, giá xăng có thể tăng sốc ở mức 1.800-2.400 đồng một lít.
Giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng là 26.830 đồng (với RON 95) và 26.070 (với E5 RON92). Giá dầu tăng "thẳng đứng" đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Các doanh nghiệp kỳ vọng thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh ở mức giá mới để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản lấy ý kiến về phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng, mức giảm trên quá ít ỏi so với sức tăng "sốc" của giá dầu trong tuần qua. Bộ Công Thương và VCCI đề xuất nên giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng và 1.000 đồng với dầu.
Quốc Dũng
Bình luận