Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 07:01
Thứ sáu, 06/05/2022 10:05
TMO – Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường hợp tác có hiệu quả về năng lượng tái tạo.
Theo Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen, Chính phủ và doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là các cam kết của quốc gia tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu là 2 trong số các ưu tiên của Chính phủ Na Uy. Theo thống kê, lĩnh vực năng lượng chiếm 3/4 nguồn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Chính vì vậy, không riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cần thay đổi, chuyển đổi cách thức sản xuất và sử dụng năng lượng. Với tư cách là quốc gia tiên phong toàn cầu về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Na Uy và các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này chắc chắn không dễ dàng nhưng là điều tất yếu phải làm. Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng.
Buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. (Ảnh. Thanh Tùng).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng thời gian tới, hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được tăng cường, nhất là sau Hội nghị quốc tế Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong các ngày 12-13/5 tới đây. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2022 và sau đó sẽ tiến hành cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP26, trân trọng đề nghị ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, ông Ngân nói.
Về cơ chế chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trong dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chuyển dịch năng lượng là một trong những quan điểm xuyên suốt của Chiến lược để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới để từng bước thay thế điện than bằng năng lượng sạch hơn. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn sẽ có những ý kiến đóng góp cho chúng tôi trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Vũ Minh
Bình luận