Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 28/01/2022 15:01
TMO - Bên cạnh ý nghĩa “mua may bán rủi” mang tính thương mại, phiên chợ Âm – Dương còn mang đậm ý nghĩa tâm linh, góp phần cầu siêu cho các sỹ tử đã hy sinh trên trận tuyến.
Chợ Âm - Dương nằm ở địa phận làng Ó nay là làng Xuân Ổ phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết (tháng Giêng Âm lịch).
Theo tài liệu được ghi chép lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh.
Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và đốt vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm dương.
Năm nay, TP. Bắc Ninh chính thức phục dựng phiên chợ âm dương với phương án cụ thể nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch covid-19
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng.
Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám cười nói ồn ào vì sợ linh hồn hoảng sợ; cũng không thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy làm linh hồn tan tác.
Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu... Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Nếu đồng tiền đó nổi lên thì là tiền người âm còn chìm xuống là tiền của người dương. Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong... thậm chí có cả mẩu yếm sồi.
Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh. Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã khuất.
Năm nay, tỉnh Bắc Ninh quyết định chính thức phục dựng chợ Âm - Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần xây dựng các phương án cụ thể việc tổ chức Lễ hội và hoạt động phiên chợ Âm Dương vào ngày 4-5 tháng Giêng năm Nhâm Dần đảm bảo phù hợp theo từng cấp độ dịch...
Phiên chợ Âm – Dương được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm rằng, có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi.
Cồ Mai
Bình luận