Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 23:01
Thứ hai, 25/07/2022 08:07
TMO - Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26.
Việt Nam đang trong tiến trình tăng cường năng lực xây dựng và vận hành thị trường carbon nhằm hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm phát thải KNK theo Thỏa thuận Paris, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế theo hướng carbon thấp và phát triển bền vững. Cụ thể, theo Báo cáo kỹ thuật Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020, Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương với 83,9 triệu tấn CO2 với nguồn lực trong nước. Khi có thêm các hỗ trợ quốc tế, mục tiêu cắt giảm phát thải KNK sẽ lên đến 27% so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 250,8 triệu tấn CO2.
Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. (Ảnh minh hoạ)
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng giảm phát thải của các lĩnh vực: Năng lượng (tương ứng là 51,5 triệu tấn CO2 tương đương), nông nghiệp (6,8 triệu tấn CO2), chất thải (9,1 triệu tấn CO2), các quá trình công nghiệp (7,2 triệu tấn CO2). Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lên đến (9,3 triệu tấn CO2 tương đương). Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) hay các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) cũng có tiềm năng tạo nguồn tín chỉ carbon để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có đơn vị chứng nhận tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng từ xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án phải thông qua các đầu mối nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho các chủ rừng trong việc xác định quyền sở hữu carbon, giao dịch chuyển nhượng quyền carbon, nhận giấy chứng nhận giảm phát thải cũng như cơ chế quản lý tài chính.
Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Phạm Dung
Bình luận