Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 09/02/2022 20:02
TMO - Ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải các bon, phát triển bền vững là vấn đề quan trọng với Việt Nam - một nước đang phát triển và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam không chỉ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mà đã có sự chuẩn bị lộ trình thực hiện.
Trong đó có việc đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện các cam kết đóng góp thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cùng với các văn bản, đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mô hình sản xuất tôm - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu kết thúc, chưa đầy 2 tháng Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu. Ban Chỉ đạo có 1 Trưởng ban, 1 Phó trưởng ban và 12 Ủy viên. Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ.
Việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, kết nối tất cả các bộ, ngành được kỳ vọng sẽ “thông đồng bén giọt” trong triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn có đặc thù về tính liên vùng, liên ngành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; chỉ đạo giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của liên ngành, liên tỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.
Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia. Vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.
Chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện cam kết, Thủ tướng yêu cầu tư tưởng phải thông, nhận thức phải thống nhất, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn và hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, chiến lược… thu hút công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện trong chống biến đổi khí hậu nói chung. Phải khớp giữa nhu cầu với khả năng của các đối tác, nhất là huy động nguồn lực về tài chính...
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép,” tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Vì thế, cùng hành động vì Trái Đất, “Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu,” đã trở thành khẩu hiệu của các hội nghị quốc tế quan trọng do Liên hợp quốc tổ chức, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu.
Bảo Hân
Bình luận