Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 03:10
Thứ sáu, 27/09/2024 07:09
TMO - Từ các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án giảm nghèo. Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho hàng trăm hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại tỉnh Gia Lai, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận được dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đã có điều kiện phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là về Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tiểu dự án này, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) đã xây dựng, hình thành các nhóm và tổ cộng đồng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3, Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn các xã, thị trấn và tổ cộng đồng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi và trang, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, các nhóm cộng đồng đều lựa chọn phát triển chăn nuôi bò, heo và dê sinh sản để tạo sinh kế trong phát triển kinh tế gia đình.
Kông Chro là một huyện nghèo nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, dân số khoảng 54.000 người, trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,35% dân số toàn huyện với 18 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Đất đai của huyện Kông Chro không màu mỡ, có khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm và khí hậu khô hạn.
Đến cuối năm năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ dân trên địa bàn huyện Kông Chro là 33,78% với 4.336 hộ nghèo (giảm 1.406 hộ so với năm 2019), riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 4.186. Những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân huyện Kông Chro triển khai bằng nhiều chủ trương, chính sách và chương trình hành động cụ thể.
Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kông Chro cho biết: Trong 2 năm (2022-2023), từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng và ngân sách huyện 220 triệu đồng, địa phương đã xây dựng 14 mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã, thị trấn, hỗ trợ 133 con bò sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo.
Kông Chro là một trong những địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh. Huyện có diện tích đồng cỏ chăn thả tự nhiên rộng lớn và nguồn thức ăn chăn nuôi từ các phế phẩm nông nghiệp dồi dào. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hầu hết các hộ đều lựa chọn nuôi bò sinh sản để mở hướng thoát nghèo bền vững. Mỗi mô hình này đều có 1 nhóm trưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi (không được cấp bò) đứng ra theo dõi, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo chăm sóc bò thật tốt để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Tại TP. Pleiku, nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Gia đình ông Puih Juih, xã Ia Kênh có 6 người phụ thuộc vào làm thuê theo thời vụ để trang trại cuộc sống. Năm 2019, gia đình ông được chính quyền địa phương tặng 2 con bò sinh sản, ông thuê đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Sau 2 năm chăm sóc, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên 8 con. Từ việc có được sinh kế, những khoản thu nhập cũng tăng lên. Có vốn, ông Juih tiếp tục mua 8 sào cà phê và 2 sào lúa nước để phát triển kinh tế.
Cũng như gia đình ông Juih, gia đình bà H’Sák ở làng Mơ Nú, xã Chư Á (TP.Pleiku), được hỗ trợ một con bò lai sinh sản từ "Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" vào năm 2022, gia đình bà H’Sák đã có cơ hội phát triển chăn nuôi và cải thiện đáng kể cuộc sống. Sau khi nhận bò và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến tháng 6/2024, bà H’Sák đã gây đàn thành công và có thêm một bê con ra đời. Điều này đã mang lại niềm vui và động lực để gia đình bà tiếp tục chăm sóc, gây đàn, có thêm thu nhập.
Trong năm 2023, huyện Phú Thiện cũng đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Bà Ksor H’Truên buôn Ling, xã Ia Hiao cho biết: Thu nhập của 2 mẹ con bà chủ yếu dựa vào 3 sào đất trồng mì và công việc làm thuê. Cuối năm 2023, được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Từ khi nhận bò, hàng ngày, bà H'Truên cắt cỏ ngoài đồng, mua thêm rơm dự trữ vào mùa khô và trồng thêm cỏ voi quanh vườn nhà để làm thức ăn cho bò.
Triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND xã Ia Hiao đã chủ động phối hợp với các phòng, ban của huyện hỗ trợ 19 con bò sinh sản cho 19 hộ nghèo, cận nghèo ở buôn Ling. Đồng thời, xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh trên đàn bò. Nhờ vậy, đến nay, số bò này sinh trưởng, phát triển ổn định. Đây là động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Người dân tại các địa phương tích cực phát triển kinh tế.
Cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn từng địa phương, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 9000 hộ thoát nghèo, trong đó có hơn 8000 hộ dân tộc thiểu số, đưa công tác giảm nghèo ở tỉnh đạt kết quả cao hơn chỉ tiêu đề ra.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Gia Lai đã phân bổ trên 400 tỷ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, Gia Lai cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; Nhiều địa phương đã có cách làm hay, giải pháp thiết thực phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,09% năm 2021 đã giảm còn 8,11% vào cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% năm 2021 xuống còn 17,05% vào cuối năm 2023, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2024, tỉnh Gia Lai tiếp tục phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Cùng với nhiều giải pháp khác thì việc triển khai các mô hình sinh kế hiệu quả là giải pháp quan trọng để các địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thu Anh
Bình luận