Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ hai, 13/06/2022 11:06
TMO – Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố bức xạ và hạt nhân sẽ được thực hiện theo quy trình gồm 4 bước.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BKHCN quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về ứng phó và xử lý sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; đo liều chiếu xạ cá nhân; kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ.
Thông tư nêu rõ quy định quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố bức xạ và hạt nhân được thực hiên theo 4 bước, cụ thể:
Bước 1 (Tiếp nhận thông tin): Người nhận thông tin ghi nhận lại các thông tin theo mẫu đã được xây dựng trong Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Bước 2 (Tư vấn thông tin): Tư vấn cho người cung cấp thông tin về hành động tự bảo vệ và một số khuyến cáo về phóng xạ, hạt nhân.
Bước 3 (Xử lý thông tin): Người nhận thông tin chuyển thông tin nhận được tới Đầu mối liên lạc của tổ chức được giao nhiệm vụ thường trực tiếp nhận thông tin (Đầu mối liên lạc). Đầu mối liên lạc liên hệ người cung cấp thông tin và xác nhận thông tin. Đầu mối liên lạc lưu thông tin và báo cáo lãnh đạo đơn vị thường trực.
Bước 4 (Ra quyết định xác minh thông tin): Lãnh đạo đơn vị thường trực điều động đơn vị kỹ thuật triển khai đến hiện trường để xác minh sự cố, xác định sơ bộ mức độ báo động tại khu vực sự cố để khởi động ứng phó sự cố nếu cần thiết. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2022.
Liên quan đến quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố bức xạ, hạt nhân. Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BKHCN quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
Theo đó, việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải đảm bảo 4 nguyên tắc, gồm: Việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do người đứng đầu tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ chịu trách nhiệm cao nhất; Việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ; Việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ phải được thực hiện trong suốt vòng đời của nguồn đến khi nguồn phóng xạ đạt mức miễn trừ khai báo, xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; Phải xem xét các biện pháp bảo đảm an toàn, anh ninh phóng xạ từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ.
Thông tư 01/2019/TT-BKHCN cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân khi phát hiện có đối tượng tiếp cận trái phép với nguồn phóng xạ hoặc có ý định thực hiện hành vi chiếm đoạt, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 8 giờ kể từ khi phát hiện sự việc, thông báo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và cơ quan công an nơi gần nhất bằng văn bản hoặc fax hoặc qua điện thoại.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sự việc, tổ chức, cá nhân gửi báo cáo bằng văn bản cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và cơ quan công an nơi gần nhất. Báo cáo phải trình bày rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả, các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được áp dụng và kế hoạch thực hiện để tránh xảy ra sự việc tương tự.
Phạm Yến
Bình luận