Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 08:01
Chủ nhật, 26/05/2024 18:05
TMO - Mới đây, trường THCS thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận cây bàng trong khuôn viên trường là Cây Di sản Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có PGS.TS Lê Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đại diện chính quyền địa phương, cùng đông đảo các thầy cô giáo, học sinh trường THCS thị trấn Phú Lộc. Trước đó, vào tháng 2/2024, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp và quyết định cây bàng nằm trong khuôn viên trường THCS thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
PGS.TS Lê Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (đứng thứ hai từ phải qua) trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản cho đại diện trường THCS thị trấn Phú Lộc cùng chính quyền địa phương. Ảnh: NH.
Thông tin từ hồ sơ đăng ký Cây Di Sản Việt Nam cho thấy, thân chính của cây bàng có đường kính khoảng 1,4m, chu vi 4,49m với thân cây to, nhiều u bướu, hệ thống rễ cây đồ sộ nổi lên trên mặt đất. Nhiều bậc cao niên địa phương cho biết, cây được trồng tại khuôn viên trường từ lâu, khi còn nhỏ họ đã nhìn thấy cây bàng này, lúc đó kích thước cây cũng khá lớn.
Cây bàng cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn. Ảnh: NH.
Trước đây, cây bàng mọc lên từ chỗ là một vùng đất trống, ngày nay đã trở thành khuôn viên của trường THCS thị trấn Phú Lộc. Hình ảnh mái trường với cây bàng cổ thụ đã trở nên thân thuộc với biết bao thế hệ thầy và trò nơi đây. Nhận thấy được những giá trị đặc biệt của cây bàng cổ thụ, năm 2023, thầy Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Phú Lộc đã làm hồ sơ trình Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Việc cây bàng cổ thụ trong khuôn viên trường THCS thị trấn Phú Lộc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học đối với thầy trò nhà trường. Đồng thời, tạo niềm động lực to lớn để thầy trò trường THCS thị trấn Phú Lộc tiếp tục bảo vệ, bảo tồn, chăm sóc cây bàng cẩn thận hơn để cây phát triển xanh tốt.
Như vậy, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính từ năm 2010 đến nay đã có 4 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam bao gồm, cây thị trên 300 tuổi ở Thủy Xuân, cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích, cây đa Đá Bạc ở huyện Phú Lộc và cây bàng cổ thụ tại trường THCS thị trấn Phú Lộc.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận