Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ hai, 07/08/2023 07:08
TMO - Kết luận của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 10 doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2017-2022 do chưa nhân thêm hệ số K. Tổng số tiền buộc phải truy thu hơn 309 triệu đồng.
Trước đó, qua kiểm tra hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 2 thuộc Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhân hệ số K sai quy định. Cụ thể, các doanh nghiệp này khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K = 1,1 đối với các mỏ khai thác lộ thiên. Do đó đã tính và nộp phí bảo vệ môi trường thiếu so với quy định hiện hành.
Trong giai đoạn 2017-2022, có 10 doanh nghiệp đã kê khai sai hệ số K trong tính phí bảo vệ môi trường, với số phí phải nộp thiếu của 10 doanh nghiệp là hơn 309 triệu đồng. Tính đến nay, Cục Thuế Thừa Thiên - Huế đã hoàn tất truy thu của 9 doanh nghiệp với số tiền hơn 239 triệu đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Xây dựng 939 (đóng tại đường Tam Thai, TP. Huế) số tiền bị truy thu hơn 70 triệu đồng nhưng chưa thực hiện được vì địa chỉ không còn tồn tại và cũng không liên lạc được với chủ doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Xây dựng 939 đã ngừng hoạt động từ ngày 20/4/2022, nhưng chưa chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Hiện, cơ quan thuế tiếp tục theo dõi và sẽ thực hiện việc cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp này theo quy định.
Ảnh minh họa.
Ngày 31/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 15/7/2023, thay thế Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016.
Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản; Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí; Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (bao gồm cả trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản nhưng thu được khoáng sản) theo Biểu khung mức thu phí. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản bằng 60% mức thu phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung mức thu phí.
Nghị định nêu rõ, căn cứ nguyên tắc xác định mức thu phí quy định tại Luật Phí và lệ phí, Biểu khung mức thu phí và tham khảo mức thu phí của các địa phương có khai thác khoáng sản tương tự thuộc đối tượng chịu phí, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh này, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa công bố quyết định về thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan...
Hồng Anh
Bình luận