Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ tư, 30/08/2023 14:08
TMO - Giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường và bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị dẫn tới giá có thể đẩy lên cao quá mức.
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.
Đường là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành chế biến thực phẩm, giá đường tăng mạnh sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực chế biến khác. Theo một số doanh nghiệp, trong 2 năm qua, Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và gần đây là một số nước khác trong khu vực ASEAN. Việc này khiến lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan và 5 nước ASEAN giảm mạnh. Để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy đường trong nước cũng như các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm bắt buộc phải chấp nhận gia tăng chi phí giá mua và chi phí vận chuyển để tìm kiếm nguồn đường nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá đường trên thế giới hiện tại đang tăng rất cao và nhanh (cao nhất trong vòng 11 năm qua) vì sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới như Brazil, Úc, Ấn Độ và Thái Lan ít hơn dự kiến, đặc biệt trong quý 3 và quý 4/2023. Trước nguy cơ thiếu hụt lớn nguồn cung đường và giá đang tăng cao, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) kiến nghị Chính phủ xem xét ngoài số lượng 119.000 tấn đường hạn ngạch theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), FFA kiến nghị bổ sung lượng nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước trong năm nay.
Giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường và bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá. Ảnh: ĐT.
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về tình hình cung cầu đường năm 2023 và dự báo 2024; tham gia đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết, trong vụ ép 2022/23, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng mức giá mía đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế qua năm 2023, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là lượng tối thiểu theo cam kết WTO tức là 119.000 tấn. Thời điểm thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan 119.000 tấn là tháng 9/2023. Không quy định tỷ lệ lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 2023, đồng thời mở rộng các đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sản xuất mía đường và thương nhân kinh doanh thương mại đường.
Hiệp hội Mía Đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu. Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá quá cao, Hiệp hội sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất nhập khẩu bổ sung trước khi vào vụ ép 2023 - 2024.
Hiện nay ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023/24 và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía-đường.Hiệp hội Mía Đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.
Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó; trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.
Những năm trước đây Việt Nam bị đường trợ cấp phá giá của Thái Lan tràn vào dưới các hình thức chính ngạch; hay đường nhập lậu cũng đã dìm giá đường sản xuất trong nước dưới giá thành mía. Do đó, các nhà máy thu mua mía theo giá thị trường nên người trồng mía lỗ, bỏ ruộng dẫn đến 16 nhà máy không có nguyên liệu mía, buộc phải đóng cửa. Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã khiến 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường Thái Lan (năm 2021). Điều này đã giúp ngành mía đường trong nước phục hồi trở lại. Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đường mía của một số công ty Thái Lan từ 18/8/2023 đến 15/6/2026 với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất là 4,65%.
Thanh Tâm
Bình luận