Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 17/01/2022 19:01
TMO - Nhiều địa phương trên cả nước trong năm qua đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (đặc biệt đối với cây lúa) để mang lại hiệu quả kinh tế cao và gia tăng giá trị canh tác.
Theo số liệu, trong năm 2021 các địa phương trên cả nước đã chuyển đổi khoảng 117 nghìn ha từ đất lúa sang cây ăn quả, nông sản và nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng các địa phương khu vực phía bắc chuyển đổi khoảng 17,8 nghìn ha.
Các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đã thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng cây hằng năm và cây lâu năm khoảng hơn 21,9 nghìn ha. Các loại cây trồng ở những vùng chuyển đổi cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết nên cho thu nhập khá cao.
Điển hình là tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021, địa phương này đã chuyển đổi được 2.200 ha đất trồng lúa sang trồng hoa màu, nông sản. Từ đó cho doanh thu cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa. Đối với chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm giai đoạn kinh doanh ổn định cho doanh thu cao gấp 1,5 đến 2 lần/năm so với trồng lúa.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại thu nhập cao.
Tại Nam Bộ, trong năm 2021, các địa phương trong khu vực này đã chuyển đổi được trên 77 nghìn ha lúa sang cây hằng năm, cây lâu năm và sang mô hình tôm-lúa, cá-lúa. Qua đánh giá của các địa phương, việc chuyển đổi trên đất lúa không chỉ giúp sử dụng nước tiết kiệm mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 đến 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.
Dù vậy, theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác còn gặp nhiều khó khăn bởi các vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát gây khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị; một số vùng chuyển đổi chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Hơn nữa, do cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp; chính sách khuyến khích cho việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ.
Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.
Mặt khác, đối với những vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như ngô, lạc, mè, rau đậu các loại, sắn, khoai lang; những vùng có tưới khi chuyển đổi sang trồng rau màu cần tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng hiệu quả cao như ngô lai, lạc, đậu tương, rau đậu các loại… Tuy nhiên, trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước.
Quốc Dũng
Bình luận