Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/07/2025 06:07
Thứ ba, 22/07/2025 19:07
TMO - Qua khảo sát, các doanh nghiệp đầu mối lớn, vốn chiếm thị phần xăng dầu chủ yếu trong nước có đủ năng lực cải tạo hệ thống hiện có để phân phối xăng sinh học (E10). Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là nguồn cung etanol (chất phối trộn nhiên liệu sinh học) trong nước còn hạn chế, bởi hiện chỉ có 2/6 nhà máy sản xuất etanol đang vận hành, với tổng công suất khoảng 100.000 m³/năm, trong khi nhu cầu khi triển khai xăng sinh học trên toàn quốc có thể lên tới 1 - 1,5 triệu m³/năm.
Theo Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), cơ quan này đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai lộ trình mới về sử dụng xăng sinh học với mục tiêu chuyển sang sử dụng xăng E10 (pha 10% ethanol vào xăng khoáng) trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026.
Tuy nhiên, Một trong những thách thức lớn hiện nay là nguồn cung etanol trong nước còn hạn chế. Theo đó, hiện chỉ có 2/6 nhà máy sản xuất etanol đang vận hành, với tổng công suất khoảng 100.000 m³/năm, trong khi nhu cầu khi triển khai xăng E10 trên toàn quốc có thể lên tới 1 - 1,5 triệu m³/năm. Nguyên nhân chính là do từ năm 2018 đến nay, Việt Nam chỉ áp dụng phân phối xăng E5RON92 (pha 5% ethanol vào xăng khoáng RON92), khiến nhu cầu tiêu thụ ethanol thấp, sản xuất không có đầu ra, nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương xác định ethanol nhập khẩu sẽ đóng vai trò bổ sung trong giai đoạn đầu. Đồng thời, sẽ đẩy nhanh phục hồi hoạt động các nhà máy ethanol đã đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Về lâu dài, sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất etanol từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ.
(Ảnh minh họa)
Cũng theo Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh, một yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc chuyển đổi sang xăng sinh học là sự sẵn sàng của hệ thống hạ tầng lưu trữ, vận chuyển và phân phối. Qua khảo sát, nhận thấy các doanh nghiệp đầu mối lớn, vốn chiếm thị phần xăng dầu chủ yếu trong nước, có đủ năng lực cải tạo hệ thống hiện có để phân phối xăng sinh học. Việc cải tạo này không đòi hỏi chi phí lớn hay thời gian dài, nên mốc thời gian áp dụng từ 1/1/2026 được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh việc xây dựng lộ trình và đảm bảo nguồn cung, cơ quan này cũng đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác giám sát chất lượng xăng sinh học trên thị trường và chuẩn bị cơ sở kỹ thuật phục vụ lưu thông, phân phối, đảm bảo hệ thống vận hành đồng bộ, thông suốt.
Thành công của lộ trình xăng sinh học không chỉ phụ thuộc vào chính sách hay hạ tầng, mà còn nằm ở sự đồng thuận của người tiêu dùng. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông toàn diện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của xăng sinh học (E10), đặc biệt là vai trò trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
'Vai trò' của xăng sinh học
Hiện nay, không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn khi sử dụng xăng sinh học (E5, E10). Trên thực tế, khi sử dụng xăng sinh học, người tiêu dùng không chỉ tăng cường dùng nhiên liệu sinh học mà còn góp phần đáng kể trong bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng. Việc phát triển nhiên liệu sinh học còn giúp các quốc gia chủ động, không bị phụ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt với những quốc gia không có nguồn dầu mỏ, than đá, từ đó ổn định tình hình năng lượng.
Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô, xe gắn máy. Nguyên liệu chính để sản xuất cồn sinh học tại Việt Nam hiện nay là sắn lát khô. Cồn sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu sinh học được sử dụng như một chất chứa oxy thay thế cho các hợp chất pha vào xăng trước đây như chì hay ete. Cồn sinh học được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột, mật rỉ đường và các phế phẩm nông nghiệp khác.
Xăng sinh học (E5, E10), được ký hiệu là Ex, trong đó x là % thể tích cồn trong công thức pha trộn xăng sinh học. Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống. Xăng sinh học E10 là nhiên liệu chứa 10% thể tích cồn sinh học và 90% thể tích xăng truyền thống.
Việc sử dụng xăng sinh học giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng xăng sinh học sinh học rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng sinh học và xăng thông thường.
Do ethanol có chỉ số octan cao nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Thêm vào đó, với hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.
Khí thải CO là loại khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92, A95 tới 20%. Chính vì vậy, xăng sinh học được coi là thân thiện với môi trường. Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng sinh học. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng sinh học được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của xăng sinh học.
Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO, HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể…/.
THANH BÌNH
Bình luận