Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 06:11
Chủ nhật, 08/09/2024 07:09
TMO - Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong đêm qua, dự báo hôm nay (8/9) các tỉnh, thành phía Bắc vẫn tiếp tục mưa lớn. Nhiều địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và ngập lụt nghiêm trọng, cần tiếp tục tập trung ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến hết đêm 7/9, các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội, vẫn sẽ chịu tác động của gió mạnh từ cơn bão số 3. Từ sáng nay (8/9), khi bão di chuyển sâu vào đất liền và đi về hướng Tây, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố nguy hiểm từ mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.
Trong bão số 3, một số nơi đã có lượng mưa lên đến hơn 200mm, ngày 8/9 các tỉnh khu vực phía Bắc, kể cả khu vực đồng bằng, trung du, miền núi sẽ tiếp tục có các đợt mưa lớn có nơi từ 150-250mm. Với lượng mưa như vậy kéo dài đến ngày 8/9, cảnh báo mức độ rất nguy hiểm về lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra. Cụ thể, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhấn mạnh đến yếu tố nguy hiểm từ hoàn lưu bão số 3 rất rộng, bao trùm cả khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong hệ thống mây rộng này có thể xuất hiện các ổ mây đối lưu gây mưa dông, lốc và gió giật xoáy, còn tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời. Ngay cả với khu ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, dù bão số 3 đã đi qua, vẫn cần đề phòng hiện tượng sóng cao và nước dâng, có thể ảnh hưởng mạnh đến tàu thuyền ven bờ và hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cần chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất sau bão (Ảnh minh họa).
Theo Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù bão đã đi qua nhưng hoàn lưu bão số 3 rất rộng, gió mạnh, rất nguy hiểm. Vì vậy, các địa phương cần duy trì nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi vì còn gió bão rất mạnh. Kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh sau khi bão đổ bộ.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra đối với các tuyến đê, nhất là 31 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình (có vị trí trọng điểm kèm theo) do các tuyến đê này chỉ chống được bão cấp 9, cấp 10 triều 5%. Lực lượng quân đội cần bố trí tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng hộ đê khi có yêu cầu.
Các địa phương cần bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; cung cấp thức ăn, nước uống để người dân yên tâm không quay về nhà yếu khi bão chưa tan. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố mất an toàn hồ đập đối với các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Mưa 300 mm trong vòng một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp nguy cơ cao sẽ ngập úng.
Hạnh Lê
Bình luận