Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 04/02/2022 10:02
TMO - Năm 2022 được xác định là năm nền tảng thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia. Ngành Lâm nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi dấu ấn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp.
Trong năm 2022, toàn ngành phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 102,81%; trồng rừng đạt 244.000ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3,…Đồng thời, thu dịch vụ môi trường rừng từ 2.800-3.000 tỷ đồng; diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90 nghìn ha.
Năm 2022, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngành sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2022. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày để kiểm tra, phát hiện, xử lý. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.
Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Chế biến xuất khẩu gỗ, mũi nhọn phát triển kinh tế lâm nghiệp
Hoàn tất việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế; triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Chủ động hợp tác nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế.
Đặc biệt, về chế biến, thương mại lâm sản, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban trao đổi thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2022.
Vũ Minh
Bình luận