Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ hai, 10/01/2022 14:01
TMO - Để sản xuất nông sản gắn liền với tiêu thụ cần phải thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến và các hệ thống phân phối.
Đây là nội dung văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, tình trạng nông sản khi vào vụ thu hoạch vẫn bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc. Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc thực hiện siết chặt kiểm soát dịch nên các cơ quan chức năng nhận định tình hình xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn và kéo dài.
Hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống được cho là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản cần được khai thác triệt để.
Từ những thực tế trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chủ động rà soát năng lực, nhu cầu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản (như Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT…).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ, nhất là tình hình trước và sau Tết Nguyên đán 2022 nhằm đảm bảo cân đối cung cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết thời điểm xuất khẩu hàng nông sản.
Mặt khác, cần quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ; đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
Gia Kiệt
Bình luận