Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ năm, 13/10/2022 21:10
TMO - Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý nước thải trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. UBND thành phố nhấn mạnh, tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải là một trong những nhiệm vụ được thành phố chú trọng triển khai.
Mới đây, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với UBND thành phố, thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, thông qua việc tổng hợp kết quả giám sát tại các quận, huyện, thị xã và cơ sở, HĐND thành phố ghi nhận, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thoát nước, xử lý nước thải đô thị, nước thải tại làng nghề, nước thải khu, cụm công nghiệp luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm bảo vệ môi trường thủ đô.
Cùng với chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trong đó đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện.
Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống, nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn. Ảnh: DK
HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách và đã đưa chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn quốc gia vào nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội hằng năm. UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng "Danh mục, lộ trình và phương án xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2020-2030)", hoàn thành trong năm 2022.
Kết quả thực hiện công tác thoát nước đô thị tính đến hết năm 2021 cho thấy, việc kết hợp triển khai nhiều giải pháp góp phần giải quyết 5/16 điểm úng ngập cục bộ khi mưa lớn trên các tuyến phố chính, các điểm còn lại (11 điểm) cũng đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện.
Một số dự án thoát nước và dự án xử lý nước thải đã đầu tư trong thời gian qua như: Hệ thống thoát nước Hà Nội mới thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trong Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội - Giai đoạn 1 và Dự án 2 bằng nguồn vốn ODA do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ, bao gồm xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở công suất 90m3/s; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương, cống tại khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2...
Về công tác xử lý nước thải, thành phố đã quy có quy định các dự án cụm công nghiệp, khu đô thị đều phải đầu tư trạm xử lý nước thải và phải vận hành bằng tiền của đơn vị. Toàn thành phố có 9 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đưa vào hoạt động và đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi theo quy định.
Bên cạnh đó, có 42/70 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; có 93/313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ; 4/313 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại các làng nghề, Sở TN&MT cho biết, số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Quận, huyện và thị xã, hiện có 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ. Các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ, nước thải phát sinh từ các làng nghề (sinh hoạt và sản xuất) đều được thoát tự nhiên và xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương... của khu vực.
Tăng cường công tác giám sát, qua đó tập trung khắc phục những hạn chế góp phần nâng cao công tác xử lý nước thải tại các KCN
Cùng với những kết quả đã đạt được, HĐND thành phố cho biết, công tác xử lý nước thải trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống thoát nước một số khu vực tại khu vực phố cổ, phố cũ đã xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lún sụt mất an toàn; trên hệ thống còn tồn tại một số vị trí công trình ngầm khác cắt ngang làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát nước. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố đang triển khai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của các trục thoát nước chính.
Hệ thống hồ điều hòa còn thiếu, nhiều ao hồ trong khu vực nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị. Còn nhiều dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước chính cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội còn chậm được đầu tư xây dựng.
Một số dự án đang triển khai thi công còn chậm so với tiến độ phê duyệt, 10 khu đô thị có quy hoạch xây dựng Trạm xử lý nước thải riêng biệt, tuy nhiên chưa được đầu tư xây dựng... Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư còn hạn chế; đa số các quận, huyện chưa có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể để di dời (hoặc đình chỉ hoạt động), do đó tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tại khu dân cư có làng nghề vẫn chưa được xử lý triệt để.
Trước những bất cập trên, thời gian tới HĐND thành phố đề nghị Ban Đô thị HĐND thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, thống nhất các kiến nghị trong dự thảo báo cáo giám sát cho cụ thể, đo đếm được, để sau khi ban hành báo cáo giám sát làm cơ sở để các cấp, các ngành dễ thực hiện, hiệu quả trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải.
Đức Việt
Bình luận