Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 06/11/2022 04:11
TMO - Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một trong những loại gia vị quan trọng, đem lại giá trị xuất khẩu lớn, tuy nhiên sản xuất ngành hàng này đang thiếu định hướng chiến lược phát triển bền vững, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn hạn chế.
Thông tin tại Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững vừa được tổ chức, Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, tổng diện tích quế cả nước khoảng gần 170.000ha. Trong đó, quế được trồng tập trung ở các tỉnh như Lào Cai (53,3 nghìn ha), Yên Bái (81 nghìn ha) và Quảng Nam (khoảng 15 nghìn ha). Ba địa phương này chiếm khoảng 70% tổng diện tích quế cả nước. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900 nghìn - 1,2 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch quế bình quân từ 70 - 80 nghìn tấn/năm. Các nhà chế biến vỏ quế thường thu mua trực tiếp từ người thu gom và thực hiện sơ chế thô (sàng lọc, phân loại, bóc vỏ, sấy) và chế biến tinh (cắt và mài, loại bỏ kim loại và cặn, đóng gói).
Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu quế góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: BLC
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba theo sản lượng trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa; đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương. Giá trị xuất khẩu sản phẩm quế hồi của Việt Nam tăng liên tục, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD; năm 2021 là 274 triệu USD và dự kiến năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Trong đó, thị trường lớn nhất của sản phẩm quế Việt Nam hiện nay là Ấn Độ (90,7 triệu USD), Mỹ (54,2 triệu USD), Hàn Quốc (6,2 triệu USD).
Ngành quế hồi Việt Nam có nhiều thuận lợi khi các thị trường cao cấp như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu ngày càng tăng; các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, VPA/FLEGT cho phép cắt giảm hoặc xoá bỏ thuế xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Bên cạnh những thuận lợi, theo đánh giá của Vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp, hiện nay ngành quế hồi chưa có định hướng chiến lược phát triển quế bền vững cấp quốc gia. Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.
Ngoài ra những hạn chế về công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - khuyến lâm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển. Hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu quế đã tuân thủ các nguyên tắc của nhà nhập khẩu, nhưng các sản phẩm quế vẫn có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng từ vùng trồng nguyên liệu. Vì vậy, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các vùng sản xuất sẽ góp phần đảm bảo chất lượng nguyên liệu chế biến.
Việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ sản xuất vùng nguyên liệu là điều kiện quan trọng để kiểm soát chất lượng
Trước nhu cầu phát triển cây quế Việt Nam bền vững, đem lại giá trị xuất khẩu, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho bà con nông dân hiện nay các ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đang triển khai các bước để xúc tiến thành lập Hiệp hội đại diện cho ngành quế; đã trình dự thảo thành lập Tổ công tác quế lên Bộ NN&PTNT phê duyệt, trong đó đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng chiến lược phát triển quế quốc gia.
Để cải thiện một số hàm lượng kim loại vượt chỉ tiêu chuẩn và xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia điều tra, đánh giá, lấy mẫu... Đưa ra các chính sách phù hợp mang tính chiến lược và toàn diện cho chuỗi quế. Cải thiện tồn dư hóa chất trong quế, các hóa chất trong danh mục cấm như tuyên truyền các vùng sản xuất quế sản xuất theo hướng hữu cơ, bộ tiêu chuẩn thương mại đa dạng sinh học có đạo đức (UEBT/RA). Đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc mua bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.
Minh Phương
Bình luận