Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ tư, 16/02/2022 14:02
TMO – Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế đang là một trong những giải pháp được các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long áp dụng nhằm ứng phó với thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, mùa khô năm 2022, ngành nông nghiệp Cần Thơ tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất rau màu, lúa, cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của từng quận, huyện. Trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng khô hạn, trong điều kiện BÐKH và tăng cường biện pháp kiểm soát xâm nhập mặn, phòng ngừa dịch bệnh; mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương cho vườn cây ăn trái, mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ít nước sản xuất trong mùa khô hạn.
Cần Thơ chủ động ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn. (Ảnh minh họa)
Cần Thơ hiện có tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 4.064 ha, cao hơn 30 ha so với cùng kỳ. Diện tích cây ăn trái của TP Cần Thơ là 23.416ha, dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 167.776 tấn. Trong đó, cây xoài 3.088ha; cây chuối 1.092ha; sầu riêng 2.416ha; mãng cầu 797ha; mít 1.326ha; măng cụt 297ha; ổi 340ha; vú sữa 1.615ha; mận 1.781ha; cam 1.177ha; chanh 1.114ha; bưởi 810ha; nhãn 2.701ha; chôm chôm 421ha; dừa 1.517ha và cây trồng khác 4.441ha. Theo khuyến cáo, trong mùa khô hạn, nông dân trồng cây ăn quả cần chủ động kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tăng cường vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh hại...
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đó đã khuyến cáo, tình trạng xâm nhaaph mặn, thiếu nước, nông dân cần áp dụng các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn, như: tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp nạo vét kênh mương nội đồng, dùng bạt ni lông trải dưới kênh mương để chứa nước ngọt; đào ao chứa nước ngọt trong vườn; hạn chế bốc thoát hơi nước bằng tủ gốc cây với các nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lá dừa, cỏ khô và các thực vật khác) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (nhỏ giọt, phun mưa), kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất giữ ẩm tốt, hạn chế bốc thoát hơi nước.
Ðặc biệt, khi vườn cây bị hạn, mặn bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột; khi hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non để hạn chế thoát hơi nước. Chủ động đo nồng độ mặn, chỉ lấy nước tưới khi nồng độ cho phép.
Huy Toàn
Bình luận