Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Chủ nhật, 14/05/2023 13:05
TMO – Giới chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp, các gói kỹ thuật trong quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp sẽ giúp đưa phát thải khí nhà kính về “0”, giảm bớt việc lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” đã đào tạo và tập huấn cho gần 100 giảng viên nguồn cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt trong đào tạo tập huấn cho hàng triệu nông dân trên cả nước thời gian tới. Từ thực tế triển khai, đã có hàng nghìn cán bộ tại các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và địa phương cũng như nông dân ở các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm được tham gia các lớp tập huấn với kỳ vọng trở thành các tuyên truyền viên tích cực lan tỏa trong các tổ nhóm, hợp tác xã về sản xuất nông nghiệp an toàn, sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại, nâng cao sức khỏe cây trồng.
(Ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong sản xuất lúa, trong khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải góp phần tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo vào Liên minh châu Âu (EU) khi các quốc gia trong khối này sắp tới sẽ xem xét đánh thuế về những nông sản gây phát thải khí nhà kính. Nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp, các gói kỹ thuật trong quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp sẽ giúp đưa phát thải khí nhà kính về “0”, giảm bớt việc lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp không chỉ giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, xanh và bền vững, mà còn thực hiện các cam kết của Chính phủ trong giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tổ chức hồi đầu tháng 11/ 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Phạm Dung
Bình luận