Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ bảy, 18/05/2024 19:05
TMO – Theo chuyên gia, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm.
Chiến lược tăng trưởng xanh theo quan điểm của Việt Nam là thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đổi mới công nghệ, công cụ kinh tế, từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Như vậy, tăng trưởng xanh về cơ bản đồng nghĩa với tăng trưởng bền vững, hay có thể hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng về mọi mặt những nhu cầu trong hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đây là nhiệm vụ hướng tới của nhiều quốc gia và mỗi quốc gia căn cứ vào đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa của mình để xây dựng những chiến lược phù hợp.
Mô hình kinh tế xanh hay mô hình tăng trưởng xanh là mô hình phát triển không chỉ nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống nhân dân, mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nền kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tài nguyên có hiệu quả cao, có mức phát thải thấp và hướng tới công bằng xã hội. Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các quốc gia cần phải thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây: Đầu tư thận trọng vào vốn tài nguyên; tạo việc làm và bảo đảm công bằng xã hội; thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít carbon; khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; phát triển đô thị bền vững và giao thông ít carbon; đặc biệt thiết lập cơ chế tài chính, tài khóa cũng như xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hoạt động như đã nêu trên.
Thúc đẩy phát triển các dự án giao thông xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo TS. Bùi Kim Thanh, tại Việt Nam, khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài chính xanh bắt đầu được hình thành khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt với 03 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa sản xuất và Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tiếp đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp về tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nguồn lực cả trực tiếp và gián tiếp để các cấp, các ngành, các đối tượng liên quan có điều kiện triển khai được các nhiệm vụ. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với 4 chủ đề chính: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững… Trên cơ sở đó, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế như Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về lộ trình phát triển thị trường cacbon, về tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định về các danh mục dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh… Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Việc phát triển các trung gian tài chính xanh, ngân hàng xanh đã có những bước tiến đáng kể, điển hình là việc ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1604). Đã có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 tổ chức xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 tổ chức sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.
Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm. Đối với cổ phiếu xanh, chưa có khung chính sách phát triển thị trường cũng như các quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…), thị trường mới đang ở trong giai đoạn tạo lập. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.
Tính đến nay, Việt Nam Việt Nam chưa có dòng ngân sách riêng cho ứng phó với biến đổi khí hậu mà được hòa chung với ngân sách về môi trường. Trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro,... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.
Như vậy, có thể thấy, phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn, cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Song cũng như các quốc gia đang phát triển khác, lộ trình này còn nhiều thách thức, trong đó trọng tâm là những vấn đề về: Nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; Chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển tài chính xanh; Các sản phẩm tài chính xanh chưa được phong phú; Nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh còn hạn chế.
Do đó, TS. Bùi Kim Thanh cho rằng, để tài chính xanh trở thành hiện thực và có ý nghĩa thiết thực trong chiến lược xanh hóa nền kinh tế, Nhà nước cần có trách nhiệm dẫn dắt thực hiện xanh hóa hệ thống tài chính, tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực; xây dựng, công bố lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, trong đó xác định những ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo hướng kinh tế xanh; Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách tài chính cho phát triển thị trường tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tài chính xanh… Các định chế tài chính ngân hàng, cần chủ động trong xây dựng và phát triển các dịch vụ ngân hàng xanh, hướng tới, hình thành các ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các định chế tài chính phi ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và chiến lược về tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; nâng cao nhận thức cho đội ngũ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
ĐOÀN VINH
Bình luận