Hotline: 0941068156

Thứ ba, 21/01/2025 17:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ ba, 21/01/2025

“Sông Tô – Núi Nùng”

Thứ sáu, 31/12/2021 11:12

TMO – “Sông Tô - núi Nùng” là cặp biểu tượng sông - núi của đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Từ xa xưa, cặp sông - núi trong văn hóa người Việt chính là một cặp Âm - Dương, cha - mẹ. Trong tâm thức Việt, cặp đôi này có chức năng duy trì sự sống, nơi nào có cặp đôi sông - núi nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt.

 “Sông Tô”  

Nhiều người quan niệm rằng tên “Tô Lịch” là thủy danh, tức là tên sông. Tuy nhiên, trong định danh học có phân ra nhân danh, sơn danh, địa danh, thủy danh. Nên, quan niệm sông Tô Lịch là “thủy danh” là hoàn toàn nhầm lẫn.

Tên gọi sông Tô Lịch có nguồn gốc của một vị già làng họ Tô, tên Lịch, một vị đứng đầu “Long Đỗ hương” tức là làng gốc đầu tiên trên đất Hà Nội. Khi Hà Nội được tách ra từ vịnh  Hà Nội, trên sự lầy lội đấy mới trồi lên một doi đất cao, được tôn gọi là núi “Rốn rồng” hay còn gọi là “Long Đỗ”.

Một góc của sông Tô Lịch xưa. (Ảnh: Tài liệu)

Trên Rốn Rồng đó, ngôi làng đầu tiên được thiết lập và người đứng đầu của Hà Nội gốc đó chính là ngài Tô Lịch. Ngài Tô Lịch với chức trách lớn nhất trong làng Phẩm chất con người của Ngài đã được ghi vào các tài liệu chính sử quan phương là người giỏi quản lý đất đai, cư dân, có đức độ, ăn ở thuận hòa trong nội bộ gia đình và kết thân với hàng xóm láng giềng.

Đặc biệt, Ngài rất chăm lo cho người dân dưới sự quản lý của mình. Chính vì lẽ đó, Ngài trở nên nổi tiếng, khi mất đi (theo quan niệm của đương thời khoảng 2000 năm trước) được tôn làm thần, phong lên tới chức Thành hoàng Thăng Long, bảo vệ cho vùng đất của Ngài. Với tư cách là thần Thành hoàng làng đã cho dòng sông chảy uốn quanh đất dựng làng của Ngài mượn tên, và thủy danh sông Tô Lịch được khai sinh từ đó.

Sau khi được hình thành, người phương Bắc đến đô hộ, đã nhân danh kẻ xâm lược, thống trị, đối đầu với người bản địa, đất bản địa, đó là thần Tô Lịch.

Dòng sông Tô Lịch có một vị trí vô cùng quan trọng. Vào cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VIII, phương Bắc có cử tới đây một viên quan đô hộ rất hiểm ác, tham tàn đó là Trương Bá Nghi. Một hôm, ông này đứng trong tòa thành của mình xây trên làng Long Đỗ, nhìn thấy nước dòng sông Tô Lịch chảy ngược. Đây là một thuộc tính về lưu lượng, chuyển lưu, dòng chảy của con sông là chảy xuôi vào những mùa bình thường, nhưng khi mùa nước lên thì toàn bộ nước ở trong đồng lại dồn vào sông, do đó sông có dòng chảy ngược.

Người phương Bắc rất sợ chữ “ngược-nghịch”, nên họ quy cho con sông có thuộc tính “nghịch thuỷ” bởi tất yếu dẫn đến sự bạo nghịch, tạo phản. Vì lý do đó, Trương Bá Nghi rất hoảng sợ, đến mức bỏ lại thành Đại La để sang bên kia sông tìm chỗ đóng trị sở nền đô hộ được an toàn hơn.

Một sự dọa nạt có tác dụng rất lớn trong chiến tranh tâm lý, dựa trên cơ sở của dòng chảy tự nhiên lại trở thành một nguồn lực xã hội, đặc biệt là chính trị, quân sự bắt nguồn từ đặc trưng lịch sử dòng sông Tô Lịch.

Vào thế kỷ thứ IX, người phương Bắc lại cử đến làng Long Đỗ một viên quan đô hộ khác nguy hiểm hơn Trương Bá Nghi, đó là Cao Biền. Qua kho tàng truyện dân gian, qua sử sách ghi chép lại thì đây là một tên quan cực kỳ độc ác.

Cao Biền đã có lúc phải đối đầu với thần Tô Lịch và cuộc chiến trong thế giới tâm linh này đã diễn ra rất khốc liệt, cuối cùng kẻ bại trận lại chính là Cao Biền. Cao Biền đã thua trận trước âm mưu chủ động đối đầu thần Tô Lịch, bởi hành động hạ thủ nhưng không thành. Cuối cùng hắn phải cho xây ngôi đền để thờ người đã thắng mình, đó là Đền Bạch Mã (nay ở số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).

Như vậy, với đặc tính dòng chảy, chúng ta đã được chứng kiến sự tích thứ hai quan trọng, linh thiêng về sông Tô Lịch và vẫn còn rất nhiều câu chuyện nói về dòng sông Tô Lịch. Hiện nay, chúng ta đang phải xử lý vấn đề hiện đại của dòng sông, bởi đây là sông thiêng, sông tinh túy của đất Thủ đô và đất kinh thành Thăng Long xưa.

“Núi Nùng”

Sử sách ghi lại, năm 1882, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, người Hà Nội đã cảm khái: “Trời cao biển rộng đất dày/Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”. Nhị Hà là tên gọi sông Hồng xưa, vậy núi Nùng nằm ở đâu?

Khi xây cung ở phía đông thành Đại La, Lý Công Uẩn đã có ý định hoàn thiện các yếu tố phong thủy với mong muốn thành bền vững, nên cho đắp cả núi đất để trấn trước cung, điện hay làm hậu chẩm. Người Việt cổ có tục thờ đa thần nên một quả núi thiên tạo hay nhân tạo đều thiêng. Nếu núi mọc ở chính giữa hoàng thành sẽ được coi là trung tâm, là nơi giao hòa giữa trời và đất.

Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long được xây trên ngọn núi Nùng xưa. (Ảnh: Tư liệu)

Vào thời Lý, Hà Nội có nhiều núi nhân tạo xen lẫn với núi tự nhiên. Trong trại Hàng Hoa (nay là vườn Bách Thảo) có núi Sưa. Trên đỉnh ngọn núi này có một ngôi đền nhỏ thờ Hắc Đế. Tấm biển trên ngôi đền ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng miếu” (tức là ngôi miếu trên núi Sưa). Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây mọc thành rừng trên ngọn núi này, vì thế mới có tên gọi là Sưa sơn.

Ở đường Hoàng Hoa Thám (thuộc quận Ba Đình) có núi Voi. Đoạn phía Bắc đường Hùng Vương ngày nay, xưa là núi Khán. Sách Thượng kinh phong vật chí (được cho là của Lê Quý Đôn) viết: “Thượng kinh có núi Nùng ở giữa, trên núi có một chỗ hõm xuống gọi là rốn rồng. Phía Bắc có Tam sơn, phía tây có Thái Hòa, phía Tây Bắc có Khán sơn...”.

Đời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông thường lên Khán sơn xem duyệt binh vì xung quanh có khoảng rộng đủ chỗ cho binh lính diễu hành. Năm 1673, vua Lê Gia Tông cho dựng chùa trên núi thờ Phật, trong đó có cả tượng Lê Thánh Tông.

Thời Tự Đức, Bố chánh Hà Nội cùng với Tổng đốc Hà Ninh cho xây một ngôi đình nhỏ trên núi làm chỗ hội họp hằng tháng cho văn nhân uống rượu làm thơ. Các nhà Nho Hà Nội như Lê Đình Diên, Nguyễn Siêu thường lên đây uống Hoàng hoa tửu vào tết Trùng cửu (9-9 âm lịch). Còn núi Tam sơn phía Bắc thành Hà Nội là nơi Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn khi quân Pháp chiếm thành năm 1882. 

Theo quan niệm của người xưa: “Cao nhất xích vi sơn” (cao một thước cũng là núi), nhưng “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” (núi thiêng không bởi cao mà có thần trên đó). Ở Thăng Long, núi Nùng được nói đến nhiều nhất.

Từ thuở Hà Nội còn là ngôi làng nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, ở đây đã có một quả núi đất thiên tạo được gọi là Nùng sơn. Trên đỉnh Nùng sơn có một ngôi đền. Đền thờ thần Long Đỗ, tức là thần sông Tô Lịch. Đỉnh Nùng sơn có “lỗ thông hơi”. Trong Hoàng Việt dư địa chí, nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng, giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ, ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)”.

Núi Nùng xưa, nay là vườn Bách Thảo (Hà Nội).

Ngôi làng nhỏ này lớn dần, thành huyện, thành phủ và đến thế kỷ VII - VIII, thần Long Đỗ trở thành “Đô phủ Thành hoàng thần quân”. Khi làng trở thành kinh đô của nước Đại Cồ Việt năm 1010 và Đại Việt năm 1054, thần Long Đỗ thờ ở ngôi đền trên núi Nùng được vua Lý phong là “Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương”, nghĩa là đền núi Nùng trở thành đình làng và thần Long Đỗ trở thành vị Thành hoàng làng của Hà Nội xưa. 

Khi Lý Công Uẩn xây thành Thăng Long trên nền thành cũ Đại La, ông đã cho xây đền thờ thần Long Đỗ ở phía đông thành. Ngôi đền đó nay là đền Bạch Mã (số 78 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Còn núi Nùng nằm gọn trong Hoàng thành - nơi xưa quan niệm là trục trung tâm giao tiếp giữa trời và nhà vua, được san để xây điện Thiên An (đời Trần gọi là Càn Nguyên, đời Lê là Kính Thiên).

Sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn chép: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý”. Năm 2012, khi khai quật di tích Hoàng thành ở 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ đã tìm ra dấu vết của điện Thiên An.

Như vậy, núi Nùng, sông Tô là cặp biểu tượng “sông – núi” của đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Từ xa xưa, cặp sông - núi trong văn hóa người Việt chính là một cặp Âm - Dương, cha - mẹ. Trong tâm thức Việt, cặp đôi này có chức duy trì sự sống, nơi nào có cặp đôi sông - núi nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt.

Hà Nội nhiều năm vẫn đang loay hoay "làm sống lại" dòng sông Tô Lịch.

Suốt 1.000 năm Bắc thuộc, các thời kỳ từ Nam Việt - Lưỡng Hán cho đến Tùy Đường cai trị Giao Chỉ đều ưu tiên lựa chọn núi Nùng để xây trung tâm hành chính, và dựa vào địa thế của sông Tô mà được bảo vệ và phát triển. Như vậy núi Nùng- sông Tô là một cặp biểu tượng đã xuất hiện từ rất lâu (trước thời Thăng Long).

Đây là những giá trị lịch sử quý giá của cha ông ngàn đời xưa để lại, thế hệ hôm nay cần phải có trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nhưng giá trị tốt đẹp đó. Đặc biệt, đối với sông Tô Lịch, chúng ta cần phải có trách nhiệm xử lý những vấn đề, bất cập hiện tại của dòng sông theo hướng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử cha ông để lại.

 

 

Khánh An – Như Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline