Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 11:11
Thứ bảy, 04/12/2021 15:12
TMO - Thu thập ý kiến của các chuyên gia, quản lý nhà nước và người dân địa phương, từ đó tạo đồng thuận trong việc xây dựng các văn bản pháp luật và thực hiện tốt hơn các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hạn chế cấp độ rủi ro thiên tai. Trong buổi hội thảo trực tuyến do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với (SCODE) tổ chức hôm 03/12, các chuyên gia đề xuất cần có “sổ tay” để hướng dẫn và lồng ghép trong các hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH).
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, hoạt động này, không chỉ là hành động thiết thực, hưởng ứng cam kết mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP 26, mà còn nhằm thu thập những ý kiến của các chuyên gia, của cán bộ và nhân dân địa phương. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng các văn bản pháp luật và thực hiện tốt hơn các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương theo hướng bền vững, hạn chế cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó, có mục tiêu hoàn chỉnh hơn Thông tư 05/216/TT- BKHĐT của Bộ Kế hoạch đầu tư.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, đây là chủ đề đã được VACNE quan tâm từ nhiều năm nay, các chuyên gia, nhà khoa học của VACNE đã biên soạn sách và xuất bản. Trong đó có các cuốn “Ứng phó biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ cộng đồng”, “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, “Môi trường và Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu”...
Theo bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững (SCODE), dự thảo khung lồng ghép phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH vào Kế hoạch phát triển KT-XH còn có những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia hàng đầu ngành như: GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ; PGS.TS Lê Trình; TS. Trần Văn Miều… bày tỏ sự đồng thuận, với mong muốn sớm có tài liệu (dưới dạng sổ tay) hướng dẫn rất cụ thể và dễ hiểu về mối liên hệ giữa BĐKH và phòng chống thiên tai cho người dân của từng vùng, miền. Từ đó, phát huy sáng kiến kinh nghiệm và quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện các Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; góp phần tích cực vào sự nghiệp BVMT và phát triển bền vững đất nước.
Khánh Linh
Bình luận