Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ sáu, 20/05/2022 20:05
TMO – Thời gian qua, cho dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm phát luật về rừng nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở nhiều nơi vẫn còn diễn biến phức tạp.
Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Theo nội dung Chỉ thị, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý rừng và đất rừng.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Các địa phương và chủ rừng tăng cường biện pháp quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, nhất là tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng. Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.
Bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn địa phương, trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ lực lượng cho Kiểm lâm địa bàn cấp xã, Kiểm lâm cơ động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản tại các tỉnh nhằm giảm áp lực lên rừng; phối hợp với cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng có quy mô lớn, phức tạp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật.
Phạm Yến
Bình luận