Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 02:11
Thứ hai, 30/05/2022 12:05
TMO - Tài nguyên khoáng sản phong phú đang cung cấp nguồn vật liệu xây dựng dồi dào, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng môi trường trong và sau khai thác, chế biến đang trở thành yêu cầu cấp thiết được địa phương này chú trọng.
Theo số liệu điều tra đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Điện Biên có khoảng 20 loại khoáng sản, gồm các loại khoáng sản rắn như: Khoáng sản nhiên liệu (than đá); kim loại (sắt, chì, kẽm, đồng, vàng, nhôm và antimon); khoáng chất công nghiệp (alit, barit, kaolin, pyrit, quarzit, talc) và một số nguồn nước nóng, nước khoáng. Trong đó có tiềm năng rất lớn đối với khoáng sản vật liệu xây dựng: đá ốp lát, đá vôi trắng, đá vôi, sét xi măng, sét gạch ngói, cát cuội sỏi và đá xây dựng thông thường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác còn thời hạn cho 20 doanh nghiệp với 27 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, 19 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 4 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 1 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 điểm mỏ khai thác chì kẽm; 2 điểm mỏ khai thác than.
UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở TN&MT, các đơn vị có liên quan siết chặt công tác quản lý hạn chế ô nhiễm môi trường trong khai thác
Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản giá, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã tham mưu để UBND tỉnh thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác đánh giá tác động môi trường và các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đối với các công ty, doanh nghiệp, chủ dự án được cấp phép khai thác khoáng sản đã cơ bản thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt. Khi kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ; nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ.
UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản
Trong giai đoạn 2010 - 2020, UBND tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 23 báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép cơ bản đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ được phê duyệt là 15,225 tỷ đồng; số tiền ký quỹ các tổ chức, cá nhân đã nộp là 2,937 tỷ đồng.
UBND tỉnh Điện Biên khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đầu tư tư dây chuyền, công nghệ khai thác, chế biến đá thành phẩm đảm bảo giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường trong quá trình hoạt động. Trong đó, hệ thống thu gom, lắng nước thải; lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn phun nước ngay tại các khu vực sản xuất được nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới Sở TN&MT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý ngay từ khâu đánh giá tác động môi trường; thực hiện nghiêm những quy định, cơ chế chính sách của tỉnh về quản lý, kiểm soát ô nhiễm, đánh giá, dự báo, cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm đối với các dự án khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện kiểm tra giám sát, đôn đốc việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Huy Trung
Bình luận