Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ năm, 31/08/2023 14:08
TMO - Sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của Việt Nam ngày càng cạn kiệt.
Việt Nam là nước cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và mới đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chương trình Nghị sự 2030 đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Trong đó, có mục tiêu “đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai Chương trình, trong hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, hướng tới đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững mà Quyết định 889/QĐ-TTg nói riêng và Chương trình Nghị sự 2030 đã đề ra.
Sản xuất xanh giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; mô hình thu gom, tái chế; mô hình tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, ngành nghề…Trong lĩnh vực tiêu dùng, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng tại các siêu thị, chợ đầu mối… Trong các nhiệm vụ của chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hiện nay Bộ Công Thương đang nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân về việc thay thế túi nilon sử dụng một lần bằng những vật dụng sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói hay vật liệu khác.
Thời gian tới, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương nhằm xây dựng tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn, định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất. Áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có rất nhiều tiềm năng về tái chế; nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho biết, sản xuất xanh, sạch hơn là một xu hướng tất yếu và điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp theo cả hai hình thức là chủ động và bị động. Ví dụ từ ngành Than, trong quá trình sản xuất, một phần các nguyên nhiên vật liệu có thể sẽ bị thải bỏ, song xu hướng sẽ chuyển đổi để làm sao các chất thải được đưa vào thành một dạng thành phẩm khác, kéo dài quá trình sản xuất.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các doanh nghiệp sản xuất than có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn. Quan trọng hơn, sản xuất xanh, sạch hơn giúp tăng hiệu quả các dự án, nâng uy tín của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng bền vững cũng ngày một lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Theo đó, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững. Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, khi triển khai, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc.
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn đối với các tiêu chuẩn về sản xuất xanh và bền vững.
Do vậy, cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách và ưu tiên và khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, để làm sao tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như cải tạo để kịp thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao sản lượng và hiệu quả của trang thiết bị đầu tư. cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vì chi phí của nó rất lớn vì vậy nguồn vốn này có thể là vừa giá rẻ và thời gian ưu đãi dài. Vì việc sản xuất xanh và sạch không thể nào ngày 1, ngày 2 được, vì vậy cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định.
Trong đó, Nhà nước cần phải có những chính sách mang tính chất khuyến khích và ưu tiên khi chuyển đổi sang nền sản xuất xanh doanh nghiệp cần lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của mình. Cùng với đó, vốn đầu tư cũng là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.
Bộ Công Thương cũng nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương. Ngoài ra, chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, làm sao đó để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thực tế cho thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững là mắt xích không thể thiếu trong phát triển bền vững. Vậy nên, thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu dùng là tất yếu, là trách nhiệm đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai.
Hồng Hạnh
Bình luận