Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ năm, 19/05/2022 19:05
TMO – Nông nghiệp luôn khẳng định là “trụ đỡ” của nền kinh tế với mức tăng trưởng ấn tượng, diện mạo đổi thay tích cực, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao, cải thiện. Chuyên gia cho rằng, ngoài sự quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương được hiện thực hóa bằng cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời thì sự nỗ lực của người nông dân đã góp phần không nhỏ, đưa nông nghiệp phát triển.
Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý nhà nước trong điều hành sản xuất được quan tâm sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những mùa vụ bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời… Tuy nhiên, thực trạng “được mùa, mất giá” khiến nông dân luôn thấp thỏm âu lo. Nông sản dư thừa, lúa thóc đầy đồng, lợn gà đầy chuồng, cá tôm đầy ao, nhưng không đưa ra được thị trường. Câu chuyện “giải cứu nông sản” lại được nhắc đến, kèm theo nhận định chua xót về thực trạng “nông nghiệp từ thiện” chưa có lời giải thoả đáng. Tình trạng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu tiếp tục gây xôn xao. Thu nhập của người nông dân vốn đã ít ỏi, cứ thế lại bị bào mòn thêm.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng…đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi, để thích ứng tốt hơn với một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân - những người trực tiếp hằng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản. Sự thay đổi căn cơ nhất bắt đầu từ việc xác định nhiệm vụ “nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và người dân nông thôn” là ưu tiên hàng đầu.
Các chuyên gia cho rằng, để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” – làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn. Muốn vậy, cần phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Đồng thời, cũng cần phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. “Trí thức hoá nông dân” là yêu cầu bắt buộc. Cùng với kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, những “lão nông tri điền” ngày nay còn có thể “trông vào các thiết bị thông minh”, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích luỹ từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức “đám mây”, kết nối “dữ liệu số” có thể giúp tạo nên những “nhà khoa học chân đất”, khởi tạo giá trị mới.
Khánh Linh
Bình luận