Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 15:05
Thứ tư, 07/05/2025 15:05
TMO - Ngoài việc rửa mặn diện tích lúa bị thiệt hại gần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nông dân tại một số xã của huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được khuyến cáo gieo sạ bằng giống lúa có khả năng chịu mặn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc tổ chức rửa mặn đối với diện tích đất lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn căn cứ vào địa hình, thời tiết, thủy văn và điều kiện thực tế của địa phương để hướng dẫn người dân, hợp tác xã thực hiện các biện pháp rửa mặn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9167:2025 (xuất bản lần 2): Đất mặn - quy trình rửa mặn ban hành theo Quyết định số 558/QĐ-BKHCN ngày 14/4/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong quá trình triển khai các giải pháp kỹ thuật rửa mặn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tỉnh đảm bảo sớm canh tác lại đối với các diện tích đất lúa nhiễm mặn. Cùng với đó là lưu ý trong quá trình rửa mặn, không để nước rửa mặn chảy vào vùng đất lúa hoặc đất canh tác không nhiễm mặn. Sau khi rửa mặn, địa phương nên gieo cấy bằng giống lúa có khả năng chịu mặn như OM 4900; OM 6976; OM 5629... Chỉ gieo cấy khi đã đánh giá đầy đủ về việc đảm bảo các điều kiện phù hợp cho cây lúa sinh trưởng phát triển.
Nhiều diện tích lúa của người dân bị chết cạnh cao tốc đang thi công (Ảnh: CK).
Trong quá trình canh tác, nông dân cần lưu ý sử dụng một số loại phân hữu cơ (để cải tạo hệ vi sinh vật đất, góp phần giảm tác hại của ion Na+ trong dung dịch đất và trong nước), bón NPK với tỷ lệ cân đối, kết hợp với một số chất kích thích ra rễ để tăng sức đề kháng, phòng chống tác động tiêu cực của mặn với cây lúa; tăng lượng phân lân và bón bổ sung vôi để giảm tác hại của ion Na+ cho cây lúa.
Bên cạnh việc tổ chức bồi thường cho người dân có diện tích lúa bị nhiễm mặn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu bố trí nguồn lực để hỗ trợ nông dân, địa phương trong quá trình rửa mặn, sớm ổn định canh tác lúa trở lại. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện để kịp thời khôi phục sản xuất; đồng thời thông tin kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, hơn 21 ha lúa Đông Xuân trồng hai bên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đang thi công) đoạn qua xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ thối rễ, chết cháy và hư hỏng, nhiều diện tích mất trắng. Người dân phản ánh tình trạng lúa chết xảy ra sau khi công trình cao tốc bơm cát đắp nền. Do hai bên cao tốc không có mương thoát nước, phèn và nước mặn tràn, thấm xuống ruộng.
Quá trình làm việc, nhà thầu khẳng định dự án qua khu vực này sử dụng cát sông. Tuy nhiên thời điểm các sà lan chở cát về tập kết tại sông ở địa phương thì nước sông nơi bị nhiễm mặn (từ tháng 1-4 hàng năm). Khi lấy nước từ sông này vào sà lan cát để pha loãng cát rồi bơm vào công trường cao tốc (cách hơn một km), nước mặn cùng phèn trong cát rỉ xuống ruộng lúa của dân.
Theo lãnh đạo UBND huyện Long Mỹ, đến nay liên danh nhà thầu hoàn tất bồi thường cho nông dân trồng lúa tại 2 xã Lương Tâm, Lương Nghĩa bị thiệt hại trong quá trình bơm cát đắp nền đường cao tốc đoạn qua địa bàn huyện. Trong số này, xã Lương Nghĩa có 56 hộ trồng lúa bị thiệt hại với diện tích 34,42ha; xã Lương Tâm 6 hộ, với 2,5ha. Tổng số 62 hộ dân ở 2 địa phương này được bồi thường hơn 940 triệu đồng./.
Thùy Trang
Bình luận