Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 02:11
Thứ ba, 17/05/2022 12:05
TMO - Nhằm kiểm soát, hạn chế ô nhiễm và nâng cao chỉ số chất lượng môi trường trên địa bàn, thành phố Hà Nội đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể để xử lý hàng loạt “điểm đen” về ô nhiễm trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, năm qua Thành phố đã thực hiện nạo vét 121 tuyến mương trên địa bàn với tổng khối lượng 55.680 m3. Đối với các tuyến mương, sông hồ thuộc điểm đen ô nhiễm, các đơn vị phụ trách đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét với tổng khối lượng dự kiến khoảng 120.000 m3.
Theo đó, các khu vực tiến hành nạo vét bao gồm sông Lừ khối lượng khoảng 23.500 m3; Hồ xử lý bãi bùn khu C Yên Sở khối lượng khoảng 12.500 m3; Hồ điều hòa số 4 Yên Sở với khối lượng khoảng 53.000 m3, Hồ Bảy Mẫu (Eo hồ Quán Gió) với khối lượng khoảng 3.000 m3…sông Tô Lịch với khối lượng khoảng 28.400 m3.
Hà Nội tăng cường triển khai công tác nạo vét hệ thống kênh mương trên địa bàn, xử lý ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Dạ Khánh
Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch, các hồ nội thành nhằm tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức kiểm tra, không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định.
Theo báo cáo cập nhật của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tính đến hết năm 2021 còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với số liệu điều tra khảo sát ban đầu năm 2017).
Thành phố khuyến khích các địa phương tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch, có giải pháp xử lý hiệu quả hạn chế ô nhiễm không khí
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng. Trong vụ mùa 2021 hiện tượng người dân đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch ở các địa phương là 3,6%. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ đốt rơm rạ tăng cao như: Gia Lâm 30,4%, Đông Anh 28,9%, Mê Linh 14,3%, Thanh Oai 4,8%...
Nhằm bảo vệ môi trường không khí, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Hiện thành phố đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí, 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Đồng thời, thành phố tập trung hoàn thiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn Thành phố, trong đó đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2022-2024.
Kết quả quan trắc môi trường được quản lý và công bố theo quy định của pháp luật, có giá trị trong việc xây dựng các báo cáo môi trường hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội, báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia; tham mưu xây dựng chính sách về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm không khí, khuyến cáo các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố.
Dữ liệu từ các trạm quan trắc môi trường tự động hỗ trợ việc xây dựng chính sách bảo vệ môi trường tại thành phố
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, quận huyện thị xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường như: Loại bỏ cơ bản 100% bếp than trong sinh hoạt, kinh doanh; Trồng gần 2 triệu cây xanh; Tăng cường cơ giới xe quét, hút bụi trong công tác vệ sinh môi trường; Quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ, xây dựng; Yêu cầu các xe vận chuyển phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thùng kín, không bị rò rỉ.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị vận chuyển vi phạm gây ô nhiễm môi trường; Triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; Triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”…
Với sự quyết liệt trong xử lý "điểm đen" ô nhiễm, cũng như đồng loạt triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường (nguồn nước, không khí...), thành phố Hà Nội đang hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Vũ Minh
Bình luận