Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 28/12/2021 14:12
TMO - Thủy lợi Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, bao gồm đất đai của bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống kênh đang lên mức báo động.
Tình trạng ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc duy trì dòng chảy trên các trục sông, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái đang đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình phát triển. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo ra áp lực lớn đối với công tác xử lý chất thải.
Các nguồn nước thải xả trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh. Khoảng 40-60% hộ chăn nuôi có Biogas nhưng công suất không đáp ứng và vận hành không đúng kỹ thuật nên chất thải sau xử lý không đạt yêu cầu. Ngoài ra, nước thải trong khu dân cư được thu gom nhưng chưa xử lý đều xả ra thẳng ra môi trường.
Thời gian qua, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải, Đoàn thanh tra Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và lập biên bản xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Mặt khác, các địa phương đã tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm nước thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải.
Theo Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, để khắc phục tình trạng ô nhiễm trước mắt, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cần phải kiểm soát được lưu lượng, chất lượng nguồn thải xả, xác định được các nguồn gây ô nhiễm chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và kiến nghị với các bên liên quan trong việc quản lý, xử lý nguồn thải trước khi xả vào.
Hơn hết cần phải kiểm soát chặt chẽ tổng khối lượng chất thải tối đa được phép xả vào hệ thống thuỷ lợi, kiểm soát cả nguồn thải thuộc diện cấp phép và nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép.
Nguyễn Ngọc
Bình luận