Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 09/03/2023 11:03
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt nhằm hướng dẫn về chuyên môn cho các cơ quan chủ trì (theo trách nhiệm được phân công tại Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường) trong quá trình xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.
Theo đó, quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt gồm 8 bước: Đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước; Điều tra, đánh giá nguồn thải vào môi trường nước; Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; Xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông; Xác định các đoạn sông không còn khả năng chịu tải, các đoạn sông còn khả năng chịu tải nhưng cần giảm tải lượng phát thải để đảm bảo mục tiêu chất lượng nước đã đề ra ở bước 1, từ đó đề xuất mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước, phân vùng xả thải
Đề xuất các biện pháp khác nhằm phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới; Đề xuất cơ cấu, tổ chức thực hiện; Tổng hợp, xây dựng dự thảo kế hoạch; Tham vấn và hoàn thiện dự thảo kế hoạch. Việc đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước nhằm đánh giá, dự báo được xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy; xác định được mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch.
Ảnh minh họa
Phương pháp, cách thức thực hiện gồm: Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; tổng hợp hiện trạng các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, khu vực sinh thủy đã được xác định theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; dự báo xu hướng diễn biến chất lượng nước mặt, đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nước mặt cần đạt được cho giai đoạn 5 năm đối với từng đoạn sông, hồ căn cứ nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của việc điều tra, đánh giá nguồn thải nhằm xác định thực trạng phân bố và tải lượng của các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Phương pháp điều tra, đánh giá nguồn thải được thực hiện riêng biệt cho từng đoạn sông, hồ là cơ sở để tổng hợp đánh giá các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện đến chất lượng nước của lưu vực hoặc tiểu lưu vực. Kết quả điều tra, đánh giá nguồn thải được thể hiện bằng các kết quả kiểm kê các nguồn thải điểm và các nguồn thải diện.
Đánh giá khả năng chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông nhằm xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông trên cơ sở rà soát các đoạn sông, hồ đã được đánh giá khả năng chịu tải, thực hiện đánh giá khả năng chịu tải bổ sung đối với các đoạn sông, hồ chưa được đánh giá khả năng chịu tải hoặc đã đánh giá nhưng có sự thay đổi lớn về chất lượng một số thông số chất lượng nước. Xây dựng lộ trình đánh giá khả năng chịu tải của từng đoạn sông hồ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trong giai đoạn thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.
Hoàng Ngân
Bình luận