Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 19:11
Thứ hai, 24/07/2023 07:07
TMO - Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường. Hiện nay, quy định này đã được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm như: pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Về lộ trình, từ 1/1/2024 nhà sản xuất, nhập khẩu pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và một số bao bì bắt đầu thực hiện trách nhiệm tái chế. Tiếp đến các sản phẩm điện – điện tử sẽ thực hiện từ 1/1/2025 và từ 1/1/2027 là các sản phẩm phương tiện giao thông.
Ảnh minh họa.
Theo Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 79, Điều 80 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong 2 hình thức: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức này; nếu chọn tổ chức tái chế thì không thực hiện đóng góp tái chính; nếu lựa chọn đóng góp tài chính thì không thực hiện tổ chức tái chế.
Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm. Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải kê khai và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự mình thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức: F = R x V x Fs. Trong đó: F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng); R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %); V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg); Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm, bao bì thông qua 2 trách nhiệm là thu gom, xử lý và tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu như trách nhiệm thu gom, xử lý đã được thực hiện từ năm 2022 thì trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì được thực hiện từ đầu năm 2024.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 78 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc. Trường hợp tái chế phế liệu nhập khẩu cùng loại sản phẩm, bao bì do công ty sản xuất, nhập khẩu thì không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của công ty.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm. Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Minh Hương
Bình luận