Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 09/10/2022 03:10
TMO - Nghị định 08/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có), cơ quan thẩm định có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định; trường hợp không phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản cho chủ cơ sở và nêu rõ lý do.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, có 3 nhóm dự án phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Đó là: Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt.
Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc lập, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 36 Nghị định 08/2022/ NĐ-CP. Theo đó, chủ dự án đầu tư khai thác khoáng sản lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và được thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt thì bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
Trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì buộc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường trong đó có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì buộc lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định theo quy định.
Phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được quy định chi tiết tại Luật BVMT 2022 và Nghị định 08/NĐ-CP
Chủ cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt thì lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Trong đó có phương án cải tạo, phục hồi môi trường với nội dung được thay đổi và được thẩm định trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường; trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường thì lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và được thẩm định theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường bao gồm: 01 văn bản đề nghị thẩm định của chủ cơ sở; 01 bản phương án cải tạo, phục hồi môi trường; 01 bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt hoặc xác nhận.
Thời hạn thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với trường hợp cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường là không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở về kết quả thẩm định.
Nội dung thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm: Cơ sở pháp lý, sự phù hợp về cấu trúc và nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường với các quy định hiện hành; Sự phù hợp của nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh (nếu có), quy hoạch sử dụng đất có liên quan; Cơ sở tính toán khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; tính chính xác, đầy đủ khối lượng và dự toán kinh phí, tính phù hợp của phương thức ký quỹ.
Kết quả thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường được thể hiện bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có), cơ quan thẩm định có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định; trường hợp không phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản cho chủ cơ sở và nêu rõ lý do.
Hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có) bao gồm: 1 văn bản giải trình ý kiến thẩm định; 1 bản phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung.
Thu Hương
Bình luận