Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 22/12/2022 07:12
TMO - Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết 38/2021/NQ-HĐND quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đối với diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng trong các lưu vực thuỷ điện được chủ rừng tự quản lý bảo vệ theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025. Đối tượng áp dụng bao gồm: Các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã và cộng đồng dân cư thôn có rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là chủ rừng).
Trong đó, nội dung, mức chi và nguyên tắc hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ đơn giá bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên chi trả dịch vụ môi trường rừng trong các lưu vực thuỷ điện được chủ rừng tự quản lý bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhưng đơn giá bảo vệ rừng gồm: Chi lương với mức tối thiểu: 4.000.000 đồng/người/tháng (thực nhận) và các khoản trích nộp theo lương. Hỗ trợ xăng xe: 300.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ bảo hộ lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng: 1.500.000 đồng/người/năm. Hỗ trợ tiền ăn uống (hậu cần) trong thời gian đi tuần tra với mức 100.000 đồng/người/ngày (theo số ngày thực tế tuần tra nhưng không quá 15 ngày/tháng).
Chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, giám sát, hội họp, bình chọn, vận động thành viên tham gia bảo vệ rừng và các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ rừng của chủ rừng, đảm bảo phù hợp nội dung chi theo quy định tại điểm c khoản 3 (đối với các Ban quản lý rừng) và khoản 4 (đối với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý rừng) Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ; chủ rừng trực tiếp chi các nội dung cho cộng đồng dân cư thôn và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa
Hỗ trợ công tác quản lý của chủ rừng: Mức chi bằng 7%/tổng mức chi trực tiếp tỉnh hỗ trợ cho bảo vệ rừng, để chi cho các nội dung sau: Chi phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm. Chi hỗ trợ Trạm trưởng, Đội trưởng, Tổ trưởng tuần tra bảo vệ rừng là Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: 300.000 đồng/người/tháng. Đối với Trạm phó, Đội phó, Tổ phó tuần tra bảo vệ rừng là Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tuỳ theo nguồn kinh phí quản lý, đơn vị có thể xem xét hỗ trợ mức phù hợp, đảm bảo không cao hơn mức hỗ trợ đối với Trạm trưởng, Đội trưởng, Tổ trưởng. Chi mua sắm thiết bị, dụng cụ, công cụ hỗ trợ và tập huấn cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Đối với nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng trên diện tích chủ rừng tự bảo vệ rừng theo hình thức hợp đồng với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh): Chủ rừng chi tối thiểu 80% cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; kinh phí dịch vụ môi trường rừng còn lại chi theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
Tổng diện tích rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện là 328.953,36 ha. Gồm: Diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thuỷ điện có đơn giá bảo vệ rừng dưới 500.000 đồng/ha/năm là 242.559,44 ha; diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thuỷ điện có đơn giá bảo vệ rừng hiện tại trên 500.000 đồng/ha/năm và diện tích giao khoán bảo vệ rừng, giao rừng cho cộng đồng là 86.393,92 ha.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện giai đoạn 2022 - 2025 là 634,772 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn dịch vụ môi trường rừng: 358,380 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh (nguồn sự nghiệp): 276,392 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện mỗi năm khoảng 158,693 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn dịch vụ môi trường rừng: 89,595 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh: 69,098 tỷ đồng.
Minh Hòa
Bình luận