Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ hai, 13/03/2023 12:03
TMO - Nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thay thế cho Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
So với Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT thì thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT đã mở rộng chủ thể lập Bảng kê lâm sản (Điều 5). Theo đó chủ lâm sản vẫn là người lập Bảng kê lâm sản khi bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển hoặc khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản. Tuy nhiên trong trường hợp khai thác, ngoài chủ lâm sản, tổ chức, cá nhân được chủ lâm sản uỷ quyền cũng được phép lập Bảng kê lâm sản sau khai thác.
Nội dung lập Bảng kê lâm sản đối với động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng được quy định tại mẫu số 04 của Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT. Quy định mới đã bổ sung một số thông tin của chủ lâm sản cũng như cá nhân, tổ chức mua/nhận chuyển giao quyền sở hữu lâm sản (Thông tin về số giấy chứng nhận đầu tư/ mã số doanh nghiệp/ giấy phép thành lập/ đăng ký hoạt động đối với các tổ chức và số căn cước công dân/ CMND/ Hộ chiếu đối với cá nhân).
Điểm d, Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT đã quy định cụ thể hơn đối tượng cần xác nhận Bảng kê lâm sản là động vật hoang dã bao gồm: Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất, sản phẩm của động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc gây nuôi; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài thuộc phụ lục II,II CITES đã được đánh dấu mẫu vật có số lượng dưới 05 sản phẩm khi vận chuyển, mua bán, chuyển giao quyền sở hữu thì không phải xác nhận Bảng kê lâm sản.
Ảnh minh họa
So với Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT đã bỏ quy định về việc không cần xác nhận Bảng kê lâm sản với các trường hợp “vận chuyển nội bộ trong tỉnh”. Với quy định này tức là trong tất cả các trường hợp mua bán, vận chuyển, chuyển giao quyền sở hữu các loài ĐVHD hoặc dẫn xuất, sản phẩm từ ĐVHD (trừ sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất từ cá sấu, loài nhóm IIB hoặc Phụ lục II, III (CITES) đã được đánh dấu mẫu vật có số lượng dưới 05 sản phẩm), việc lập và xác nhận Bảng kê lâm sản là bắt buộc.
Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT đã bổ sung chi tiết đối tượng phải đánh dấu mẫu vật bao gồm: Sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất, chế biến từ cá sấu, loài thuộc Nhóm IIB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài thuộc Phụ lục II, III CITES khi mua, bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển. Mẫu vật của loài thuộc các Phụ lục CITES xuất khẩu mà CITES đã có quy định đánh dấu thì thực hiện theo quy định của CITES....
Ngoài ra, theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT đã thay đổi so với Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT về đối tượng cần xác nhận Bảng kê lâm sản cụ thể như sau: Gỗ loài thông thường khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên; Gỗ loài thông thường khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên; Gỗ sau xử lý tịch thu; Gỗ có nguồn gốc từ tự nhiên, nhập khẩu hoặc trồng cấy thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc Phụ lục CITES; Gỗ không thuộc các trường hợp trên hoặc gỗ cây công nghiệp hoặc sản phẩm gỗ hoàn chỉnh theo đề nghị của chủ lâm sản....
Phan Uyên
Bình luận