Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ tư, 24/05/2023 13:05
TMO - Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Với nhiều điều kiện về vị trí và hạ tầng giao thông thuận lợi, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ưu tiên phát triển các bến cảng cho ngành này.
Tỉnh Quảng Bình có các trục giao thông huyết mạch: Quốc lộ 1A chạy dọc đường Hồ Chí Minh hai nhánh Tây và Đông, quốc lộ 12A nối Việt Nam - Lào - Thái Lan, có cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới, có đường sắt Bắc - Nam, hệ thống đường biển, đường sông, có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp logistics có giá trị gia tăng cao ở tỉnh Quảng Bình, qua đó mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, xây dựng Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm logistics của "cụm logistics" miền Trung.
Bên cạnh đó, địa phương này có lợi thế về địa - kinh tế, tỉnh có bờ biển dài 116,04km với 5 cửa sông, trong đó có 2 cửa sông lớn, cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La có độ sâu 15m, diện tích mặt nước 4km2, lại nằm liền kề quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, gần kề với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), đường xuyên Á quốc lộ 12A và cửa khẩu Cha Lo. Với tiềm năng và lợi thế hiện tại, tỉnh Quảng Bình xác định phát triển các ngành dịch vụ, trong đó phát triển dịch vụ logistics được coi là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế, logistics không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với Quảng Bình, nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế vì chính nguồn doanh thu từ ngành này thường chiếm từ 15-20% GDP ở các nước (ở Việt Nam lên tới 25 - 30%).
Tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ưu tiên phát triển các bến cảng cho ngành logistics. Ảnh: BĐT.
Thời gian qua, các chỉ tiêu về cảng biển tăng trưởng mạnh, số lượng hàng hóa và lượt tàu qua cảng đều tăng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt trung bình 3,5 triệu tấn/năm. Ngoài các bến cảng đang khai thác, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án cảng biển, được kêu gọi, xúc tiến đầu tư, ưu tiên xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông cảng biển Hòn La với đường 12, kết nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Mianma và các nước trong khu vực...
Hướng đến mục tiêu phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, tỉnh Quảng Bình tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics. Trong đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Hòn La; Kho bãi, cảng cạn tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch; phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo trở thành trung tâm logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - quốc tế Cha Lo trở thành trung tâm logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa kết nối giữa Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS); nâng cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh, thu hút các luồng hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, cảng biển.
Tập trung hoàn thiện hạ tầng logistics thông qua thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ- TTg ngày 12/4/2023, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cửa khẩu, hạ tầng kho bãi, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp..., lập danh mục các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư Trung tâm logistics hạng II tại Khu kinh tế Hòn La và cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Trung tâm logistics cấp tỉnh, hệ thống kho phân phối, cảng cạn, trung tâm logistics cấp huyện gắn với các cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.
Huy động tối đa mọi nguồn lực, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics của tỉnh Quảng Bình theo hướng kết nối các trục ngang Đông - Tây gắn với trục dọc theo các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng biển Hòn La, Cảng Sông Gianh (Phía Nam hình thành kết nối các khu dịch vụ du lịch biển Hải Ninh, các khu công nghiệp: Tây Bắc Quán Hàu, Cam Liên, Bang theo tuyến quốc lộ 9C và 9B, nhánh Đông và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đến Chút Mút tiếp giáp Lã Vin, PônHay, Savannakhet-Lào; Phía Bắc tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo kết nối đến Khu công nghiệp cảng biển Hòn La theo tuyến quốc lộ 12A thành khu vực kinh tế động lực của tỉnh và là đầu mối trung chuyển quốc tế).
Xây dựng và phát triển hệ thống kho bãi cảng cạn/cảng nội địa (ICD), bãi Container (CY), hệ thống kho ngoại quan, kho hàng và các trang thiết bị xếp dỡ, đảm bảo tính thuận tiện khi kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. oàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics bao gồm: mạng lưới thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, trao đổi dữ liệu điện tử, hệ thống internet, mạng lưới kho, bãi, phương tiện vận tải, bốc xếp.
Phát triển thị trường logistics là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được địa phương này chú trọng triển khai. Theo đó, Quảng Bình sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin quảng bá, kết nối về dịch vụ logistics của tỉnh thông qua các hội thảo, hội nghị; tổ chức các đoàn nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố có dịch vụ logistics phát triển, hợp tác tìm cơ hội và mời gọi các nhà đầu tư để phát triển dịch vụ logistics.
Đồng thời, thu hút nguồn hàng từ các tỉnh lân cận, các tỉnh thuộc Lào và các tỉnh Vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo về cảng Hòn La và ngược lại. Khuyến khích xây dựng mối liên kết phát triển logistics trong khu vực cửa khẩu, cảng biển với bên ngoài khu vực nhằm giảm tối đa chi phí dịch vụ, nâng cao hiệu quả các hoạt động logistics tại Quảng Bình.
Minh Thư
Bình luận