Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 01:11
Thứ bảy, 09/12/2023 19:12
TMO – Quần thể 162 cây cổ thụ tại rừng Mã Đà được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vừa được UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức vào sáng 9/12.
Tham dự buổi lễ có GS. Viện sỹ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Về phía tỉnh Bình Phước có bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Các đại biểu dự Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Sau nhiều lần khảo sát theo đề nghị của địa phương, tổ chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Cây Di sản (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam) đã xét, bổ sung và công nhận quần thể 162 cây cổ thụ tại Tiểu khu 379 Mã Đà, huyện Đồng Phú là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có quần thể cây Kơ nia gồm 130 cây. Theo hồ sơ Cây Di sản, trong 162 cây cổ thụ được công nhận thuộc 15 loài, gồm: bằng lăng: 9 cây, bình linh: 4 cây, chiêu liêu: 4 cây, gõ mật: 1 cây, tung: 2 cây, chôm chôm: 1 cây, hoàng linh: 1 cây, ươi: 1 cây, mít rừng: 2 cây, dầu: 1 cây, sộp: 1 cây, xoan đào tía: 1 cây, chò chay: 2 cây , kháo: 2 cây, kơ nia: 130 cây. Trong đó, 117 cây trên 500 tuổi, 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi, 1 cây khoảng 1.230 tuổi.
Bà Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: “Quần thể 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379, huyện Đồng Phú khi được công nhận là quần thể Cây Di sản của Việt Nam không những làm tôn thêm giá trị lịch sử, văn hoá vốn có của nó mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường tại khu vực rừng Mã Đà.
Với diện tích hơn 512 ha rừng tự nhiên, rừng Mã Đà được ví là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ, là ngôi nhà của nhiều loại động và thực vật đa dạng. Rừng Mã Đà nằm ở vị trí tiếp giáp với khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, là một phần của hệ thống sinh quyển đầy phong phú và đa dạng. Rừng Mã Đà gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt của dân tộc.
Quần thể Cây di sản tại rừng Mã Đà với 162 cây thuộc hơn 15 loài khác nhau.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm các huyện cùng các lực lượng bảo vệ rừng đã phối hợp, vận dụng tri thức bản địa, khoanh nuôi bảo vệ rừng; lập nhiều chốt bảo vệ rừng; đào rãnh xung quanh nhằm phòng, chống cháy rừng; chia lô, chia khoảnh để theo dõi sự phát triển của rừng và đặc biệt luôn ghi nhớ tên từng loài cây và loài cây ấy thuộc nhóm gỗ nào, giá trị của từng loài ra sao và ở đâu có thú rừng sinh sống...để có phương án bảo vệ. Với những cố gắng trong công tác bảo vệ rừng, rừng Mã Đà đã bảo tồn được nhiều loại cây gỗ quý thuộc nhóm trong Sách đỏ như lim, gụ, gõ đỏ, trắc, cẩm lai... Hệ thực vật rừng phong phú, trữ lượng gỗ ước gần 300m3/ha.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ mở biểu tượng Cây Di sản.
Trong khuôn khổ buổi lễ trao bằng công nhận Cây Di sản, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt, Ông Phạm Công Trường – Hội viên Hội cựu chiến binh phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba nhờ những đóng góp to lớn trong công tác gìn giữ, bảo vệ rừng và các hoạt động thiện nguyện đền ơn đáp nghĩa.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền (người ngồi giữa) dự và phát biểu trong buổi Lễ.
Việc quần thể 162 cây cổ thụ rừng Mã Đà được công nhận Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, người dân chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường góp phần phát triển bền vững. Trước đó, theo đề xuất của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký Quyết định công nhận quần thể 162 cây cổ thụ ở rừng Mã Đà là Cây Di sản Việt Nam.
Chương trình bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010. Đến nay đã có trên 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
PV
Bình luận