Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ năm, 14/07/2022 08:07
TMO - Tại công văn số 1225/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những hướng dẫn về việc tổ chức triển khai nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật Bảo vệ môi trường...
Theo quy định tại Điều 20, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), di sản thiên nhiên bao gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cùng với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận và Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về tiêu chí, trình tự, thủ tục xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác, trong đó có khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. Quản lý và BVMT di sản thiên nhiên, trong đó quy định hệ thống di sản thiên nhiên gồm 03 cấp: Di sản thiên nhiên cấp tỉnh; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO công nhận vào tháng 7/2020.
Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, cần thực hiện qua 3 bước để để cử sản thiên nhiên ra hội đồng di sản quốc tế. Trước hết, ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định tại Điều này.
Sau đó, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. Cuối cùng, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện và gửi hồ sơ đề cử công nhận theo quy định của tổ chức quốc tế.
Tại Điều 21 Luật BVMT và khoản 7 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, BVMT di sản thiên nhiên được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt và trong vùng đệm của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng hạn chế phát thải theo quy định pháp luật về BVMT.
Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi; Các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn; dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản thiên nhiên phải được duy trì, phát triển và sử dụng bền vững;
Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo theo quy định. Tuân thủ các yêu cầu khác về BVMT, ngăn ngừa, kiểm soát các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học di sản thiên nhiên theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của các điều ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.
Trách nhiệm quản lý và BVMT di sản thiên nhiên được quy định tại khoản 8 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó Bộ TN&MT giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; xây dựng, ban hành, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên.
UBND cấp tỉnh thực hiện thống nhất quản lý và BVMT di sản thiên nhiên trên địa bàn quản lý và các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về BVMT di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật.
Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền, đồng thời đề xuất các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của trung ương và tổ chức triển khai đồng bộ các quy định khác về quản lý và BVMT đối với di sản thiên nhiên và các quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại mục 1 chương X (Điều 121-129) của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Trong trường hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên, kịp thời đề xuất Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 21, khoản 7, điểm đ của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Đức Huy
Bình luận