Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 05:01
Thứ ba, 07/05/2024 11:05
TMO – Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng; phải phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.
Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt), quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Phát triển vùng phải phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử; các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.
Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng; phải phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế, phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế.
Quảng Ninh - một trong những trụ cột kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh minh họa.
Mục tiêu đến năm 2050, khu vực đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Các ngành công nghiệp phát triển với công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao và chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao. Phát triển hệ thống đô thị vùng theo hướng xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống đô thị cao, có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình). Giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ; các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.
VĂN NHI
Bình luận