Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 16/01/2022 19:01
TMO - Các tỉnh trung du và miền núi phía bắc hội tụ đủ các điều kiện cùng cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế dưới tán rừng, đẩy mạnh các giá trị hệ sinh thái rừng bởi nơi đây giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực.
Việt Nam có khoảng 7.000 loài cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ, trong đó có 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu,... và hàng trăm loài làm thực phẩm, trong đó miền núi phía bắc chiếm tới trên 70% tổng số loài thực vật lâm sản ngoài gỗ và hơn 90% các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm của cả nước.
Theo thống kê, tổng diện tích một số nhóm, loài lâm sản ngoài gỗ chủ yếu ở Việt Nam khoảng 2.696.821 ha trong đó diện tích lâm sản ngoài gỗ phân bố tự nhiên trong rừng là khoảng 1.922.634 ha, diện tích lâm sản ngoài gỗ trồng khoảng 776.948 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc gồm: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Một số loài có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị cao.
Hiệu quả từ mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
Ở các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng giá trị của nguyên liệu một số loài lâm sản ngoài gỗ chính ước đạt khoảng 3.361 tỷ đồng/năm.
Tỉnh Ðiện Biên hiện đang tổ chức xây dựng Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị, tập trung phát triển các loài cây có tiềm năng đầu ra của sản phẩm (sa nhân, thảo quả, đẳng sâm,...), phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 ha cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng với trên 500 ha cho thu hoạch ổn định hằng năm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng, giảm áp lực khai thác vào tài nguyên rừng, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này trong tự nhiên.
Tại Sơn La, tỉnh này hiện có hơn 25 mô hình phát triển kinh tế dưới tán lá rừng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, tập trung hầu hết ở các huyện trên địa bàn. Với chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, dự án trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Tỉnh Bắc Kạn trong thời gian gần đây cũng phát triển mạnh kinh tế dưới tán rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân sống bằng nghề rừng. Hiện tỉnh này có khoảng 1.180 loài cây thuốc, thuộc 190 họ thực vật khác nhau được canh tác dưới tán rừng. Trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi... Từ năm 2009, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển dược liệu giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025.
Ông Phùng Ðức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh những tiềm năng lớn về rừng để phát triển kinh tế theo hướng đa giá trị, tuy nhiên, để biến những tiềm năng thành hiện thực thì có những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các tỉnh trung du, miền núi phía bắc hiện nay.
Một số tỉnh như Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng... do điều kiện giao thông khó khăn, cho nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn trong khâu chế biến lâm sản có giá trị gia tăng cao; khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; giá thành sản phẩm cao, thiếu cạnh tranh. Hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng là rào cản trong thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao tại các nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm sản hiện đại; phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, mặc dù đã hình thành một số vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung tại các tỉnh có điều kiện thuận lợi về hạ tầng như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, tuy nhiên chủ yếu là gỗ nhỏ, chất lượng cho sản xuất, chế biến đồ gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu chưa cao. Các loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây dược liệu phát triển còn manh mún, sản lượng thấp, khả năng cung cấp hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế, không ổn định. Việc thiếu các nhà máy, cơ sở chế biến cả về số lượng và chất lượng để tiêu thụ nguyên liệu cũng như nâng cao giá trị sản phẩm cũng đang là những hạn chế. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản của các tỉnh trung du, miền núi phía bắc là 747 doanh nghiệp, chiếm 12,7% số doanh nghiệp trên toàn quốc, phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang... Do đó, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ để tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về rừng của các tỉnh trung du, miền núi phía bắc; để phát triển và sử dụng bền vững đa giá trị của rừng, cần phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế của toàn vùng. Cần phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương; đổi mới mô hình tăng trưởng, từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi: từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu cho lâm sản; đẩy mạnh liên kết vùng.
Gia Kiệt – Hoàng Anh
Bình luận