Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Chủ nhật, 13/03/2022 13:03
TMO - Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu hướng của phát triển bền vững giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải.
Theo giới chuyên gia môi trường, cho đến nay, nhiều nước trên thế giới dần hoàn thiện thể chế về KTTH, như Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng được Kế hoạch hành động Tuần hoàn 2015 và Chiến lược nhựa 2018. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia có diện tích đứng thứ 68 thế giới, dân số đứng thứ 15, nhưng đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Nên nhu cầu thúc đẩy phát triển nền KTTH của Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết do tài nguyên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do chất thải của con người gây ra.
(Ảnh minh họa)
Chuyên gia cho rằng, trong khi chất thải rắn thông thường, chất thải nhựa mang trong mình giá trị kinh tế, xã hội và môi trường to lớn thì hàng ngày hàng giờ bị con người bỏ đi vô cùng lãng phí. Do vậy, việc quan niệm chất thải rắn thông thường, chất thải nhựa là một loại tài nguyên và đổi mới việc xây dựng thực hiện pháp luật về quản lý chất thải nhựa theo hướng này trong thời gian tới ở Việt Nam là đặc biệt cần thiết để sử dụng hợp lý tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, giữ gìn, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Pháp luật hiện hành quy định rõ chất thải rắn thông thường có thể được xử lý bằng nhiều cách như: đốt, chôn lấp, tái chế. Tuy nhiên, nếu quan niệm nhựa là một loại tài nguyên thì cần ưu tiên việc tái chế, tái sử dụng chất thải.
Theo phân tích, KTTH mới chỉ là khái niệm đang được lan tỏa và chưa có thể chế pháp lý về mô hình này mà mới dừng lại ở quy định về tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.Trong đó cần xác định rõ doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa hướng tới phát triển KTTH cần dựa trên quan điểm coi chất thải nhựa là một loại tài nguyên. Phải có sự kết nối chặt chẽ từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn thực hiện các khâu đầu tư dự án sản xuất nhựa; sử dụng nhựa, tái chế nhựa, tái sử dụng nhựa theo chu trình khép kín không có chất thải nhựa ra bên ngoài.
Chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần hạn chế đầu tư các dự án về sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Nếu vẫn chấp nhận các dự án sản xuất nhựa hoặc sản xuất các sản phẩm từ nhựa thì các dự án này phải đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Còn việc loại bỏ các sản phẩm từ nhựa ra khỏi đời sống, kinh tế ngay tại thời điểm này cần phải thận trọng, nếu thực hiện phải có lộ trình cụ thể rõ ràng, phải xác định rõ tiếp tục sản xuất loại nhựa nào, tiêu chuẩn chất lượng sản xuất của loại nhựa được giữ lại sản xuất; loại bỏ sản xuất những loại nhựa nào.
Vũ Minh
Bình luận