Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 03:11
Thứ ba, 03/05/2022 08:05
TMO – Mục tiêu đến năm 2025, xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý…
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, nhiều hành động thiết thực đã và đang được triển khai thực hiện. Đơn cử là chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng ngừa và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; rà soát, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung…
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, đã tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp quốc gia và địa phương; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí; tăng diện tích cây xanh, công viên trong các đô thị và khu dân cư; hoàn thiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong thu hồi, tái chế các sản phẩm thải bỏ; phát triển thị trường trao đổi sản phẩm tái chế; nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại… Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, vùng ven biển, hải đảo, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu du lịch, bãi tắm, khu nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên; tăng cường giao rừng cho cộng đồng. Việc trồng rừng cần đặc biệt lưu ý đến trồng rừng đầu nguồn lưu vực sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Thực hiện phân vùng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý rác thải nhựa theo hướng hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm có chứa vi nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…
Như vậy có thể thấy, để hoàn thành mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào năm 2025, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các đơn vị và đặc biệt là doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, góp phần phát triển bền vững.
Vũ Minh
Bình luận