Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 02/01/2022 20:01
TMO - Làng quê luôn gắn với nét kiến trúc truyền thống thuần Việt từ bao đời nay, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, những nét kiến trúc thuần Việt này đang dần mất đi, thay vào đó là sự méo mó, lai tạp, hỗn độn.
Tốc độ đô thị hóa và sự chuyển đổi phương thức, cơ cấu sản xuất đã khiến kiến trúc nông thôn đang bị phá vỡ. Trước đây nông thôn theo mô hình tự cung tự cấp, mọi hoạt động sản xuất hay sinh hoạt đều gói gọn trong phạm vi làng xã. Nhưng giờ đã khác, tỷ trọng nông nghiệp, nghề truyền thống giảm, các loại hình dịch vụ tăng nhanh, dân số tăng nhanh, phạm vi sinh hoạt cộng đồng không còn bó hẹp sau lũy tre làng mà thay vào đó là điện thoại, ti-vi, internet đã phổ biến, mở ra những không gian mới…, đó là những nguyên nhân phá vỡ cấu trúc làng truyền thống.
Theo giới kiến trúc sư, từ chỗ làng truyền thống vốn được cấu trúc hướng nội - khép lại thì ngày nay là hướng ngoại - mở ra, xu hướng nhà cửa bám theo đường giao thông, nhà chia lô xuất hiện... đã phố hóa nhiều đường làng. Kéo theo đó, nhà xây mới ở nông thôn không có thiết kế gắn liền với việc xây cất tự phát, không có hướng dẫn, phép tắc nên nhiều nơi lộn xộn, chắp vá.
Kiến trúc nông thôn đang bị phá vỡ.
Cuộc sống đã mang hơi hướng thị dân nhiều hơn, nhà cửa khang trang mọc lên nhiều nhưng rất ít nhà đẹp. Mọi người dân đua nhau xây nhà, mục đích nhiều khi để phô diễn cái tôi của mình mà không tuân theo một nguyên tắc thẩm mỹ nào. Mấy năm trước có mốt nhà như cái bánh gato: cái gì gắn được, đắp được lên thì cứ bừa phứa, càng nhiều chi tiết, hoa văn càng tốt. Sau đó lại có phong trào kiến trúc Pháp, rồi mái vòm Ả Rập, mái Thái... tràn lan.
Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra một cách tự phát, thiếu sự kiểm soát không cẩn thận sẽ trở nên nham nhở, lưng chừng, là một cái đuôi của đô thị, tạo ra những hệ lụy ghê gớm.
Bên cạnh đó, quỹ đất nông thôn ngày một ít đi trong khi dân số tăng nhanh. Nông thôn ngày càng chật chội, nhà ống, nhà phân lô mọc lên san sát như một cách thích nghi với không gian nhỏ hẹp. Có người nói, nhà chia lô là sản phẩm tất yếu của quá trình đô thị hóa, cũng có người cho rằng, đó là hệ quả của quá trình phát triển tự phát.
Bộ mặt kiến trúc nông thôn mất dần bản sắc và phát triển theo chiều hỗn loạn, nguyên nhân này cũng đến từ vấn đề quy hoạch. Hơn 10.000 xã trong cả nước đã quy hoạch xong nông thôn mới, nhưng đa phần rập khuôn, không bản sắc, không có tính ngành nghề đặc thù, không có sự liên kết xã với huyện, với tỉnh. Đa số chỉ quy hoạch chi tiết ở trung tâm xã với các công trình như điện, đường, trường, trạm, trụ sở ủy ban, sân vận động... mà bỏ quên các làng xóm, khu dân cư. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hóa để có điểm tựa cho phát triển.
Bên cạnh đó, rất nhiều làng hay vùng nông thôn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn nhưng không được quan tâm đúng mức. Ở cả hai vấn đề bảo tồn và phát triển thì kiến trúc nông thôn đều thiếu vắng. Người dân loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn và cách nghĩ của họ. Những bản quy hoạch nông thôn được lập dường như chỉ mang tính “phủ kín” mà còn quá nhiều vấn đề bất cập.
Làm quy hoạch nhưng điều tra khảo sát lại thu thập cơ sở khoa học theo kiểu lấy số liệu như thống kê có bao nhiêu ngôi nhà, phân theo cấp xây dựng như thế nào... mà thiếu hẳn những thống kê, đánh giá tỉ mỉ tập quán sống, vận dụng tự nhiên như thế nào, đối với tổng thể (từ hướng gió, hướng nhìn, cách sắp đặt không gian), quy mô và hình thức kiến trúc các công trình ra sao. Gần như tất cả những dữ liệu cần thiết đó bị bỏ trống.
Rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã chuyển thành khu công nghiệp, khu giãn dân... Mỗi khu như thế chỉ rộng vài nghìn m2, được chia cho các hộ xây nhà theo lô và cứ thế mọc lên những khu dở quê dở phố, “nửa nạc nửa mỡ”.
Quốc Dũng
Bài 2. Cảnh quan nông thôn đang bị bỏ mặc
Bình luận