Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 11:01
Thứ bảy, 12/03/2022 19:03
TMO – Chỉ tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng và cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Đây là điều hết sức đáng lo ngại bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giá xăng dầu tăng trong thời gian qua một phần do giá mặt hàng này trên thế giới tăng cao, phần khác do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất sản xuất... Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, cơ quan quản lý đã yêu cầu Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất từ 100% lên 105% từ đầu tháng 2-2022; các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu để trục lợi...
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh minh họa)
Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đến thời điểm hiện tại nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu về nhiên liệu ngày càng tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào thị trường thế giới, đòi hỏi cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, có giải pháp linh hoạt, chủ động trước những biến động của thị trường, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng trong mọi tình huống.
Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng, dầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nhập khẩu, lưu thông, phân phối xăng dầu. Bên cạnh đó là theo sát diễn biến thị trường, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh xăng dầu găm hàng, trục lợi...
Hiện ngành xăng, dầu Việt Nam đã tự chủ được khoảng 70-75% nhu cầu, phụ thuộc nhập khẩu ít hơn. Vì thế, cũng cần tính đến việc xây dựng hệ thống kho dự trữ mang tính chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giữ ổn định giá và thị trường xăng dầu, loại bỏ các hành vi đầu cơ, “găm” hàng để trục lợi...
Ổn định nguồn cung, giá xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng và phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Với tình hình thực tế hiện nay, trước mắt cần sớm cắt giảm các chi phí mang tính chất hành chính, “bao cấp”, không phù hợp với xu thế thị trường đi đôi với điều chỉnh những loại thuế như thuế môi trường... để vừa giúp hạ giá thành vừa góp phần đưa giá xăng dầu về gần với thị trường hơn. Song song với đó cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống phân phối, không để tư nhân bán lẻ thao túng thị trường xăng dầu...
Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu cần nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng, bù đắp nguồn thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Đặc biệt, cần chấp hành nghiêm các quy định về duy trì cung ứng xăng dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Quốc Dũng
Bình luận